ThS Trương Thị Thanh Hoa - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trong giờ dạy sinh viên năm 2 khoa tiếng Anh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hạn chế của đội ngũ giảng viên ĐH không chỉ ở trình độ đào tạo mà còn ở năng lực nghiên cứu khoa học, số lượng bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sư phạm..."
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa
Trong báo cáo giải trình, đánh giá tác động chính sách đối với việc nâng chuẩn trình độ giảng viên ĐH, Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình dự kiến thực hiện.
Cụ thể, hiện nay nước ta có 235 cơ sở giáo dục đại học (ĐH), nếu trung bình mỗi năm một cơ sở giáo dục ĐH đào tạo khoảng 30 thạc sĩ, mỗi khóa đào tạo hai năm thì đến năm 2021 (khoảng 2 khóa đào tạo) sẽ cơ bản đào tạo xong số giảng viên trình độ thạc sĩ cần bổ sung.
Kế hoạch này tác động như thế nào đến chất lượng giáo dục ĐH? Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Hoa - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Bà Hoa nói: "Thực ra, con số 13.000 giảng viên ĐH cần được chuẩn hóa trình độ thạc sĩ là con số ước tính trong báo cáo đánh giá tác động chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên.
Số liệu này gồm số lượng giảng viên hiện có cần được đào tạo để đáp ứng yêu cầu của Luật giáo dục, số giảng viên về hưu cần được bổ sung, số giảng viên tăng (cơ học)...".
* Bà đánh giá thế nào về kế hoạch chuẩn hóa trình độ thạc sĩ cho 13.000 giảng viên ĐH với giáo dục ĐH hiện nay?
- Với mục tiêu nâng chuẩn trình độ đào tạo đội ngũ giảng viên ĐH theo luật định thì không thể không thực hiện.
Phân tích từ góc độ xem xét tác động của chính sách, với 13.000 giảng viên theo giả định này, ngoài một bộ phận giảng viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài, số lượng còn lại ở trong nước sẽ là nguồn đầu vào khá lớn cho các trường ĐH của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc bàn đến tính khả thi của kế hoạch nâng chuẩn trình độ thạc sĩ trở lên cho 13.000 giảng viên ĐH lại là câu chuyện khác.
Nếu căn cứ mục tiêu trong Quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, việc chuẩn hóa ấy phải thực hiện trong vòng 3 năm tới (tương ứng mỗi năm phải có trên 4.000 giảng viên hoàn thành chương trình thạc sĩ).
Đây là một thách thức lớn, nhất là với bối cảnh số cơ sở ĐH trong nước đủ điều kiện đào tạo trình độ thạc sĩ không nhiều, còn nguồn kinh phí đưa đi đào tạo ở nước ngoài đòi hỏi rất cao, ngân sách không bảo đảm.
Cũng xin nói thêm trong số học viên đã và đang được đào tạo chương trình thạc sĩ ở các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay, số học viên sẽ là giảng viên ĐH chỉ chiếm một tỉ lệ nhất định, không phải tất cả. Điều này càng cho thấy nếu các cơ sở ĐH không có kế hoạch chi tiết và sự quyết tâm cao thì khó thực hiện được mục tiêu này trong những năm tới.
* Có ý kiến băn khoăn việc nâng chuẩn trình độ này có thể chỉ mang tính hình thức mà không góp phần nâng cao chất lượng đào tạo?
- Băn khoăn ấy không phải không có cơ sở. Ở đây có 2 vấn đề đặt ra: đào tạo ồ ạt về số lượng thạc sĩ có phải chỉ là yêu cầu về mặt hình thức; và liệu rằng yêu cầu chuẩn hóa trình độ thạc sĩ cho giảng viên có phù hợp với các trường ĐH theo định hướng ứng dụng?
Về chất lượng, phát triển đội ngũ giảng viên ĐH mà chỉ tập trung vào tiêu chí đạt trình độ thạc sĩ thì có thể sẽ rơi vào hình thức và chưa hẳn đã cải thiện được chất lượng đào tạo.
Thực tiễn cũng cho thấy hạn chế của đội ngũ giảng viên ĐH nước ta hiện nay không chỉ nằm ở trình độ đào tạo, mà còn ở một số mặt khác như: năng lực nghiên cứu khoa học còn thiếu, số lượng bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế chưa nhiều, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sư phạm còn yếu...
Rõ ràng, vấn đề không chỉ bảo đảm số lượng để nâng tỉ lệ đạt chuẩn, mà cần chú trọng chất lượng đào tạo đúng chuẩn. Cần có lộ trình tăng từng bước một, tránh ồ ạt, chú trọng mục tiêu số lượng mà xem nhẹ chất lượng...
* Vậy theo bà, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH cần phải làm thêm những gì?
- Cần hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, sắp xếp lại các trường cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đất nước, tổ chức quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên.
Về nhu cầu chuẩn hóa trình độ thạc sĩ cho đội ngũ giảng viên, cũng nên xác định tỉ lệ phù hợp cho từng loại hình cơ sở giáo dục ĐH.
Theo các chuyên gia, tỉ lệ khoảng 15% giảng viên ĐH có trình độ ĐH là hợp lý. Tỉ lệ này có thể thấp hơn ở khối ĐH theo định hướng nghiên cứu và cao hơn đối với khối ĐH theo định hướng ứng dụng.
Các trường theo định hướng ứng dụng đương nhiên phải ưu tiên chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên, chứ không phải chỉ tập trung vào trình độ học vấn. Điều này đòi hỏi các trường phát huy tính tự chủ, căn cứ điều kiện thực tế để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận