15/12/2023 10:30 GMT+7

Say sưa ai đưa anh về?

Những nhóm bạn bè nhắc nhau trên Zalo về đường về có nồng độ cồn. Những dịch vụ đưa đón người uống rượu bia đã mở ra về đến các tỉnh. Và lễ Tết năm nay không rượu bia, say sưa có được không?

Cảnh sát giao thông Cát Lái đo nồng độ cồn các lái xe trên đường song hành góc Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cảnh sát giao thông Cát Lái đo nồng độ cồn các lái xe trên đường song hành góc Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến của bạn đọc về những thay đổi, thói quen mới để an toàn về nhà sau mỗi lần họp mặt có hơi men.

Chỉ khi mọi người cùng thay đổi nhận thức, suy nghĩ thì thói quen mới có cơ hội hình thành. Và tất nhiên, thói quen mới tốt hơn thói quen cũ chắc chắn được ủng hộ.

Hồi hộp tìm đường né chốt

Làm nghề xây dựng và thích không khí tụ tập bạn bè, chúng tôi thường "họp mặt" tuần đôi ba lần. Địa điểm gặp nhau ở quán nhậu, khi thì nhà của ai đó, thường khi hẹn ở nội thành, lâu lâu lại hẹn ngoại ô hoặc về huyện. Câu chuyện được mang ra bàn tất nhiên không thể thiếu những chuyện thời sự nóng hổi. 

Khi chuyện xử phạt nồng độ cồn vừa nhen nhóm được nhắc đến trên bàn nghị sự của Quốc hội cũng là lúc được bàn rôm rả ở khắp quán xá, từ quán vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng, từ những cuộc nhậu lẻ tẻ đến tiệc tùng giỗ lễ và tất nhiên cũng có mặt trong các buổi nhậu của chúng tôi.

Hôm kia trong một nhóm Zalo của anh em xây dựng, bạn trưởng nhóm đã gửi lên thông báo về việc Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an sẽ triển khai thực hiện chuyên đề tại các tỉnh, thành thời gian một tháng. Các tỉnh, thành sẽ kiểm tra nồng độ cồn trên tất cả tỉnh lộ và quốc lộ, lưu động và cố định, công an tỉnh thành tất cả các quận huyện thị đều đồng loạt ra quân... Kèm theo đó là lời nhắc nhở các "chiến hữu" thận trọng, đặc biệt sau khi chén chú chén anh nên tìm cách về nhà an toàn.

Thông tin và cảnh báo này tôi đã quen, bởi thi thoảng bạn trưởng nhóm hay nhắc lại. Tôi thấy cảnh sát giao thông gần đây tăng mật độ và thời gian tuần tra khắp các nẻo đường cùng các chốt đo nồng độ cồn, nói thật là đã không ít lần làm tôi lúng túng.

Không hẹn mà gặp, một nhóm khác cũng trên ứng dụng Zalo, trưởng nhóm đăng một thông tin về dịch vụ GapSV ở Trà Vinh - dịch vụ đưa đón bằng xe máy và ô tô, hoặc của khách hoặc của họ. Anh em nào lỡ "chiến" say hoặc chuẩn bị đi họp mặt ở đâu đó nên alô để được đưa đón.

Soi lại mình, tôi vốn khá thường uống bia rượu và ít nhất hai lần tự "ngã ngựa" trên đường về. Gần đây, có men vào lại phải tìm cách đi xe vào những ngóc ngách để né chốt, cảm giác hồi hộp và có cả xấu hổ. Giờ tôi sẽ chọn dịch vụ đưa đón người say nói trên hoặc gọi taxi về sau mỗi cuộc chè chén. 

Ai cũng sợ bị phạt tốn nhiều tiền, tránh nhiều rắc rối xáo trộn cuộc sống khi bị phạt nhưng quan trọng hơn là bảo vệ an toàn cho bản thân mình. Đây cũng là cách mở ra cơ hội công việc cho người khác, đặc biệt cho các bạn sinh viên.

Hẹn hò có men là thói quen khó bỏ, thói quen được nuông chiều và dung dưỡng bao năm nay. Những cuộc gặp đôi khi còn vì lý do làm ăn, nhu cầu tình cảm với không ít người. Nhưng với những gì đang diễn ra quanh mình, tôi tin sẽ đến lúc mọi người phải chọn cho mình cách hoặc hạn chế rượu bia để giảm tiêu tiền, hoặc khi đã có rượu bia phải chọn dịch vụ đưa mình về nhà an toàn như một thói quen mới.

Tết không rượu bia, say xỉn, được không?

Năm cũ gần qua, những ngày lễ Tết sắp đến, như mọi năm có nghĩa là sắp đến những ngày... phải nhậu mới vui. Năm nay có cách nào mới để ăn lễ, ăn Tết kiểu giảm bớt, bỏ dần những cuộc nhậu?

Ai cũng nói sẽ không dễ bởi lễ Tết gặp nhau sau bao ngày xa cách, bận bịu vì cơm áo gạo tiền, năm ba chung rượu, bia bọt là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng uống rồi làm sao lái xe về? Không phải nơi nào cũng có dịch vụ đưa đón người say. Mọi người chưa sẵn sàng chuyện chồng say vợ lái bởi khi đi gặp chiến hữu đâu có vợ bên cạnh! Vậy có yên tâm nâng ly không khi thực tế xử phạt người say lái xe đã rõ trước mắt.

Lễ Tết không ép nhau quá chén, vẫn vui! Điều này nhiều người chưa tin sẽ có thể làm được. Nhưng không cứ gì mà không bỏ khi thói quen cũ đã thành bất tiện và bất an. Ai đã trải qua những ngày có chỉ thị cấm đốt pháo ban hành năm 1994 (áp dụng từ 1-1-1995) cũng đã không tránh khỏi hụt hẫng, kém vui. Rồi vì những cái tết an toàn hơn, tiết kiệm hơn, Tết vẫn vui khi không có pháo.

Phần lớn người dân chúng ta vẫn đang di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đến nhà bạn bè hay ra quán. Những ngày lễ Tết, vui cách nào còn phụ thuộc điều kiện kinh tế và những hoàn cảnh khác nhau của mỗi gia đình, mỗi người. Không nhất thiết phải có uống ít nhiều mới vui. Nếu muốn uống phải tính đường về cách nào. Đây sẽ là thay đổi lớn trước thềm 2024 và Tết Nguyên đán năm nay.

Tại sao mỗi người trong chúng ta không tạo ra nhiều "chỉ số" yêu thương, nhiều chỉ số về thành quả lao động thay cho những con số tiêu thụ rượu bia và nồng độ trong hơi thở, trong máu của mỗi người? 

Số người uống rượu, bia tham gia giao thông chắc chắn sẽ giảm, tai nạn giao thông ngày lễ Tết sẽ giảm theo, đó mới là niềm vui chung của xã hội. Không phải vì sợ nay ai bị phạt mà vì trong từng cuộc vui mọi người cùng nhắc nhau thay đổi để đường về an toàn.

Lái xe khi say xỉn, vết nhơ suốt đờiLái xe khi say xỉn, vết nhơ suốt đời

Lái xe sau khi uống rượu bia, bạn có thể đối mặt với những rắc rối dai dẳng, như một vết nhơ cả đời. Ai đã từng "nếm mùi đau thương", có được cho vàng cũng không dám lái xe khi say thêm lần nào nữa hết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên