04/10/2019 07:40 GMT+7

Sau Bộ trưởng 'vi hành', Thái Lan chi 16 tỉ USD cải tổ giáo dục

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Với 16 tỉ USD được phê duyệt, Bộ trưởng giáo dục Thái Lan Nataphol Teepsuwan có kế hoạch đóng cửa các trường nhỏ, nâng cao chất lượng giáo viên thông qua các hội thảo qua mạng, nâng cao đời sống giáo viên...

Sau Bộ trưởng vi hành, Thái Lan chi 16 tỉ USD cải tổ giáo dục - Ảnh 1.

Một lớp học tiếng Anh của học sinh ở tỉnh Ratchaburi, Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng giáo dục Thái Lan Nataphol Teepsuwan mới đây cho biết với khoản ngân sách được phê duyệt đến 490 tỉ baht (hơn 16 tỉ USD), ông hi vọng có thể giải quyết được các thách thức lớn của nền giáo dục nước nhà.

Trong bài phỏng vấn với Bangkok Post đăng ngày 3-10, ông Nataphol nhắc lại những cam kết mà ông đã đưa ra từ ngày đầu nhậm chức: thu hẹp khoảng cách thành tích học tập giữa những học sinh ưu tú và học sinh khó khăn, giảm tải cho giáo viên và trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21.

"Tôi nhận ra mình chịu trách nhiệm rất lớn để cải thiện hệ thống giáo dục và tôi sẽ làm hết sức" - ông nói.

Bộ trưởng "vi hành"2 tháng

Thái Lan chi 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục, tương đương 4% GDP. Tuy nhiên, ngân sách này không linh động và các khoản chi cho lương giáo viên và ngân sách hoạt động phân bổ cho các trường trên toàn quốc đều được giới hạn.

"Kết quả là các cơ quan có rất ít khả năng để triển khai những thay đổi thực tế và hiệu quả, bởi vì họ chỉ có bao nhiêu đó ngân sách để sử dụng" - ông Nataphol giải thích trước khi đưa ra những ý tưởng cải cách gắn với việc cắt giảm hoặc tối ưu hóa chi tiêu.

Trước đó, trong vòng hai tháng, Bộ trưởng Nataphol đã âm thầm "vi hành" đến nhiều trường để tìm hiểu khó khăn của nền giáo dục trong nước, tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề mà giáo viên và học sinh đang gặp phải.

"Tôi muốn hiểu tình hình thực tế và tôi biết được nhiều điều từ các chuyến thăm" - ông nói và kết luận rằng vấn đề hiện nay là chi tiêu thiếu hiệu quả chứ không phải là thiếu nguồn lực.

Theo bộ trưởng Thái Lan, có nhiều lĩnh vực có thể cải thiện. Chẳng hạn, mỗi năm Bộ Giáo dục đều chi một khoản tiền lớn cho các chương trình đào tạo giáo viên.

"Chúng ta tổ chức các hội thảo cho giáo viên khắp cả nước và phải trả rất nhiều chi phí cho việc ăn ở, đi lại. Chi phí có thể giảm thiểu nếu chúng ta sử dụng các công nghệ như Facebook Live và các nền tảng hội nghị video khác" - ông nói.

Chưa kể, công nghệ có thể giúp các giáo viên không phải bỏ lớp trong những đợt đào tạo, nhất là khi hầu hết trường học ở Thái Lan đều đã có Internet.

Bộ trưởng Nataphol Teepsuwan cho biết Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ thành lập một đội đánh giá hiệu quả chi tiêu giáo dục và dự kiến bắt đầu kiểm toán vào cuối năm.

"Một khi có dữ liệu chính xác trong tay, chúng tôi sẽ biết được những chi phí nào là không cần thiết và có thể cắt bỏ" - ông Nataphol nói.

Vấn đề không phải ở việc chúng ta có bao nhiêu tiền. Điều đáng quan tâm hơn là số tiền đang được chi tiêu một cách không hiệu quả và đó là gốc rễ của vấn đề.
Bộ trưởng Nataphol Teepsuwan

Nâng chất 400.000 giáo viên

Bộ Giáo dục cũng sẽ đóng cửa các trường nhỏ. "Số lượng học sinh đang giảm do tỉ lệ sinh của chúng ta thấp, vì vậy số lượng trường học cũng phải được điều chỉnh theo số học sinh. Việc cắt giảm sẽ giúp chúng ta phân bổ nguồn lực tốt hơn" - ông Nataphol giải thích.

Dự kiến, những trường học có ít hơn 60 học sinh sẽ phải nhập vào các trường lớn. Tuy nhiên, những trường tại các vùng sâu, miền núi hoặc đảo sẽ được giữ nguyên để đảm bảo các học sinh có thể đến được lớp học.

"Chúng ta không thể kỳ vọng kết quả tốt từ các học sinh ở những ngôi trường mà một giáo viên dạy hết tất cả các môn. Đó là lý do vì sao chúng ta cần đóng cửa những trường nhỏ và nhập chúng vào các trường lớn gần đó để tất cả học sinh đều được hưởng lợi" - ông Nataphol giải thích.

Một trong những trọng tâm trong kế hoạch cải tổ của Bộ Giáo dục Thái Lan là nâng cao chất lượng của khoảng 400.000 giáo viên trên cả nước và nâng cao chất lượng đời sống cho họ.

"Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong thành công của học sinh, vì vậy chúng ta phải chăm sóc họ và đảm bảo họ có đủ các nguồn lực cần thiết" - ông Nataphol nói. Các mục tiêu cải tổ sắp tới của ông sẽ nhằm bớt gánh nặng cho các giáo viên bằng việc giảm khối lượng công việc không cần thiết và hỗ trợ giáo viên trả nợ.

Trước đó, trong năm 2018, Chính phủ Thái Lan cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để chuẩn bị cho việc cải tổ như: yêu cầu thành viên hội đồng các trường công phải công khai tài sản của bản thân và gia đình, bỏ kỳ thi đầu vào mẫu giáo và tiểu học...

Theo bà Daranee Uthairatanakit, phó chủ tịch Ủy ban độc lập về cải cách giáo dục, việc bỏ các kỳ thi ở cấp mẫu giáo và tiểu học sẽ giúp học sinh phát triển tốt hơn về thể chất, tinh thần và cảm xúc, để có những trải nghiệm đúng với lứa tuổi của mình.

Một nghiên cứu của Đại học Suan Dusit cho thấy nhiều bậc phụ huynh Thái Lan chi hơn 100.000 baht (76 triệu đồng) mỗi năm để luyện thi cho con vào các trường mẫu giáo và tiểu học nổi tiếng.

Tuy nhiên, việc bắt trẻ học thêm trong thời gian giải lao, giờ chơi chỉ tạo thêm áp lực, chưa kể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và xây dựng mối quan hệ của trẻ với các thành viên trong gia đình.

Dạy học kiểu Phần Lan

Trong năm 2019, Sở phát triển địa phương Thái Lan đã tổ chức một loạt hội thảo về phương pháp giáo dục mới cho giáo viên từ nhiều tỉnh thành. Theo ông Sutthiphong Chuncharoen, giám đốc sở, phương pháp học hỏi từ Phần Lan giúp các giáo viên bớt tập trung vào giáo án và các bài giảng khô khan mà giúp học sinh nâng cao khả năng học hỏi.

"Các học sinh sẽ hạnh phúc hơn, bớt áp lực hơn, được khuyến khích đặt câu hỏi và bày tỏ ý kiến, điều rất hiếm trong các lớp học ở Thái Lan" - ông Sutthiphong nói.

Sau các hội thảo, nhiều trường ở Thái Lan đã bắt đầu thay đổi phương pháp giảng dạy. "Điều quan trọng đối với việc dạy học kiểu Phần Lan là phải linh hoạt" - ông Sutthiphong nói, và cho biết các trường cũng điều chỉnh giáo viên để phù hợp với từng nhóm học sinh.

Singapore cải tổ chương trình giảng dạy tiếng Anh Singapore cải tổ chương trình giảng dạy tiếng Anh

TT - "Phong trào nói tốt tiếng Anh 2006" là chương trình mà Bộ Giáo dục Singapore vừa công bố nhằm chấn chỉnh lại việc sử dụng tiếng Anh ở đảo quốc này. Tạm gọi đây là một phản ứng nhanh của Chính phủ Singapore sau một khảo sát gần đây cho thấy có đến 6/10 người Singapore nói tiếng Anh không chuẩn.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên