Để cuộc "cách mạng" này thành công (tôi nghĩ nó phải là cách mạng chứ không thể ở mức độ cải cách lụn vụn, tiểu tiết được), dù rằng phải xác định “làm gì” là rất quan trọng, nhưng hầu như chúng ta có thể hình dung ra và thấy khá rõ phải “làm gì”, “làm như thế nào”, chẳng hạn như nó đã được thể hiện khá rõ và chi tiết trong Bản kiến nghị của Giáo sư Hoàng Tụy và các nhà trí thức khác gửi Chính phủ.
Vấn đề quan trọng hơn, mà tôi cũng ít nghe nhắc đến, đó là “Ai” sẽ đứng ra điều hành các việc cải tổ này, ý tôi muốn nói đến những công việc cụ thể, kế họach chi tiết, chứ không phải là đường lối chung chung. Ví dụ, để thực hiện mục tiêu giảm tải chương trình ở bậc học phổ thông, thì cụ thể là "Ai sẽ điều hành việc này?" Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, hay Vụ phó, hay Trưởng ban cải tổ?
Tương tự, để đạt mục tiêu nâng cao trình độ và khả năng tự học của sinh viện bậc Đại học, thì "Ai chủ trì chương trình này, bao lâu thì xong, khi nào phải báo cáo kết quả?". Đành rằng mọi người đều biết, chấn hưng giáo dục là trách nhiệm của mỗi chúng ta, nhưng không thể nói chung chung như vậy được (và nên bỏ thói quen này đi), mà bắt buộc phải có một (hoặc một số) người cụ thể đứng ra điều hành, đôn đốc và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về phần việc cải tổ mà họ phụ trách, có như vậy mới có hiệu quả.
Và tôi tin chắc rằng khi ấy, việc tham gia tích cực của mọi người cho công cuộc cải tổ sẽ là hiển nhiên. Cũng như sự thành đạt của một công ty là công sức của mọi người trong công ty, nhưng nếu không có người lãnh đạo thì làm sao công ty hoạt động được?
Nếu chúng ta chưa có được sự phân công trách nhiệm và người chịu trách nhiệm cụ thể cho công cuộc cải tổ này, thì chắc chắn nó không thể khởi động được. Nếu nó đã không thể khởi động được thì không bao giờ nó có thể kết thúc! Và công cuộc cải tổ này vẫn cứ trong vòng lẩn quẩn của sự bàn cãi, tranh luận hay ca thán về những bất cập diễn ra hàng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận