13/05/2018 10:19 GMT+7

Sắp 'lên' đặc khu, Bắc Vân Phong xuất hiện nạn đòi tiền bảo kê

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) - nơi được quy hoạch làm đặc khu Bắc Vân Phong - đang là điểm nóng đất đai, một số doanh nghiệp địa ốc bị người địa phương đòi tiền bảo kê.

Sắp lên đặc khu, Bắc Vân Phong xuất hiện nạn đòi tiền bảo kê - Ảnh 1.

Cơn sốt đất ở Vạn Ninh, nơi quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), đã kéo theo nạn đòi tiền bảo kê với công ty bất động sản - Ảnh: THÁI THỊNH

Muốn làm ăn yên ổn, nộp 20 triệu/tháng

Chị N.V.T. cho biết từ Bình Dương mới đến huyện Vạn Ninh mở công ty mua bán, giao dịch đất đai được sáu tháng. Khoảng 7h tối 7-5, có ba thanh niên mặc áo thun trắng, xăm trổ ở tay (khoảng 20-30 tuổi), đi trên chiếc ôtô hiệu Mazda đến công ty.

"Ban đầu ba thanh niên này nói muốn mua đất nên tôi sẵn sàng tư vấn. Nhưng một lúc sau, các thanh niên này nói thẳng họ là dân địa phương, trực tiếp bảo kê khu vực này. Nếu muốn làm ăn yên ổn thì phải nộp 20 triệu đồng/tháng" - chị T. kể.

Nghe vậy, chị T. thắc mắc hỏi: "Nếu hai công ty đều do các anh bảo kê mà có tranh chấp đất đai thì các anh bảo vệ ai?". Các thanh niên này trả lời: "Công ty nào nộp đầy đủ, trả tiền bảo kê trước thì sẽ lo cho công ty đó".

Thấy vô lý, chị T. không đồng ý trả tiền, một thanh niên liền lập tức đứng dậy trừng mắt, lấy tay đập mạnh xuống bàn hăm dọa: "Bắt đầu từ ngày mai, công ty có vấn đề gì về buôn bán thì tự chịu trách nhiệm. Đừng trách bọn này không nói trước". Nói rồi các thanh niên bỏ đi.

10h sáng hôm sau, ba đối tượng nói trên kéo theo khoảng 10 người khác đi xe máy tới công ty chị T.. "Chúng xăm trổ đầy mình, ngồi uống nước hút thuốc trước cửa công ty. Quá sợ hãi, tôi gọi điện cho Công an huyện Vạn Ninh" - chị T. kể lại.

Tương tự, anh L.T.H. cho biết từ Quảng Bình vào huyện Vạn Ninh thành lập công ty. Chiều 5-5, một người bạn gọi anh xuống một quán nhậu ở thị trấn Vạn Giã, đồng thời mời thêm một số thanh niên cùng nhậu.

"Nhậu được một lúc, một người trong nhóm thanh niên này nói thẳng anh ta là bảo kê ở khu vực này, thời buổi làm ăn khó khăn nên muốn công ty nộp tiền bảo kê 20 triệu đồng/tháng. Nếu đóng tiền chúng sẽ bảo kê cho các trường hợp làm ăn lật lọng, mua bán, tranh chấp đất đai của công ty. Tôi nói cần về bàn bạc, suy nghĩ lại, chúng chỉ cho thời hạn một ngày" - anh H. kể.

Sáng hôm sau các đối tượng này liên tục gọi điện thúc giục anh H. nộp tiền. Khi anh H. nói công ty đang gặp khó khăn thì nhóm này nói sẽ giảm tiền bảo kê xuống cho còn 15 triệu/tháng, có thể trả góp.

"Do không phải dân địa phương, công ty lại ở chỗ vắng vẻ chưa lắp camera, 8h tối cùng ngày tôi gọi điện lại cho các đối tượng này giả vờ đồng ý trả 15 triệu đồng/tháng và xin gia hạn thời gian. Các đối tượng này nói từ nay cứ 10 ngày sẽ đến công ty thu tiền bảo kê một lần, mỗi lần 5 triệu đồng. Sau đó, tôi báo cáo sự việc cho Công an huyện Vạn Ninh" - anh H. bức xúc.

Sắp lên đặc khu, Bắc Vân Phong xuất hiện nạn đòi tiền bảo kê - Ảnh 2.

Hai đối tượng trong nhóm bảo kê được ghi lại qua camera - Ảnh do một công ty địa ốc cung cấp

Là người dân địa phương ở thị trấn Vạn Giã nhưng công ty địa ốc của anh L.V.T. cũng bị một số đối tượng gọi điện dọa dẫm theo cách tương tự, yêu cầu phải nộp tiền bảo kê 20 triệu đồng/tháng.

"Chúng còn dọa đánh, giết, làm hại đến người thân của tôi. Công ty tôi làm ăn có giấy phép theo đúng quy định pháp luật sao có chuyện bảo kê vô lý thế được. Ban đầu chúng tôi không dám báo công an vì sợ bị trả thù, nhưng sau đó nghe nói một số công ty khác cũng bị tương tự nên chúng tôi thống nhất làm đơn trình báo" - anh T. thuật lại.

Mới xuất hiện sau tin "lên đặc khu"

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-5, thượng tá Lê Văn Tín - trưởng Công an huyện Vạn Ninh - cho biết qua quá trình thu thập chứng cứ, ban đầu xác định có ba công ty bị các đối tượng đòi bảo kê. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Vạn Ninh trực tiếp làm việc với các công ty để củng cố hồ sơ.

Qua quá trình điều tra, Công an huyện Vạn Ninh xác định các đối tượng đòi bảo kê là người dân địa phương ở thị trấn Vạn Giã và các xã lân cận.

"Trong nhóm bảo kê này, cơ quan điều tra xác định được 4-5 đối tượng, trong đó phần nhiều đều có tiền án, tiền sự. Hiện công an huyện đã mời các đối tượng này đến trụ sở làm việc. Đồng thời đưa các đối tượng này vào danh sách theo dõi đặc biệt" - ông Tín nói.

Theo Công an huyện Vạn Ninh, tình trạng xuất hiện nhóm bảo kê chỉ mới manh nha trong thời gian chưa đầy một tháng trở lại đây. Để ngăn chặn, ngày 10-5 công an huyện phối hợp với Công an thị xã Ninh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh gặp mặt 27 doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thị trấn Vạn Giã. Qua đó cảnh báo tình hình, yêu cầu phải đề cao cảnh giác.

"Cơ quan chức năng cũng cung cấp số điện thoại nóng của công an huyện, trực ban công an thị trấn, khi có các đối tượng dọa dẫm xin tiền bảo kê thì lập tức trình báo. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lắp đặt camera để khi xảy ra sự việc có thể trích xuất làm bằng chứng" - ông Tín thông tin.

Ông Nguyễn Công Bằng, chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, cho biết từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên ở địa phương xuất hiện tình trạng các đối tượng xin tiền bảo kê các doanh nghiệp, công ty. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Bằng, là do sau khi nghe thông tin quy hoạch thành lập đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong, giá đất tăng đột biến, hàng loạt công ty bất động sản "mọc" lên. Nhận thấy các công ty bất động sản buôn bán đất đai hàng chục tỉ đồng nên mới sinh ra vấn đề dọa dẫm xin bảo kê. 

"Để thuận tiện quản lý, cơ quan chức năng huyện Vạn Ninh yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp làm đầy đủ thủ tục, đăng ký lưu trú, giấy phép kinh doanh hoạt động hợp pháp. Phải giữ mối liên hệ thường xuyên với chính quyền và công an. Đặc biệt là các chủ công ty bất động sản không phải dân địa phương" - ông Bằng nói.

Thượng tá Lê Văn Tín khẳng định các đối tượng có hành vi đòi bảo kê, đe dọa các công ty bất động sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Công an huyện sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng xử lý nghiêm và có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Điểm nóng đất đai

Theo Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh, trước khi xảy ra tình trạng "sốt đất", ở huyện Vạn Ninh không có bất kỳ một sàn giao dịch bất động sản nào. Nhưng đến thời điểm hiện tại có đến trên 20 sàn bất động sản.

Trong quý 1-2018, huyện Vạn Ninh tiếp nhận và giải quyết hàng ngàn hồ sơ, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017. Giá đất tăng kéo theo tình trạng lấn chiếm đất công, lấp đìa tôm để xây nhà, chuyển đổi đất nông nghiệp trái phép... diễn biến phức tạp.

Để siết chặt công tác quản lý đất đai, ngày 9-5, ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký công văn yêu cầu tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện việc tách thửa ở huyện Vạn Ninh.

Tạm dừng chuyển đổi đất, phân lô tách thửa tại Bắc Vân Phong Tạm dừng chuyển đổi đất, phân lô tách thửa tại Bắc Vân Phong

TTO - Ngày 9-5, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký công văn khẩn chỉ đạo các sở ngành liên quan thắt chặt công tác quản lý đất đai tại huyện Vạn Ninh, nơi đang quy hoạch trở thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên