31/01/2020 08:50 GMT+7

Sao phải thương tật do pháo?

A LỘC
A LỘC

TTO - Không riêng gì các thành phố lớn, tại nhiều miền quê tiếng pháo đã râm ran nổ lại trong dịp tết vừa qua. Nhiều người không khỏi phàn nàn và lo lắng trước hiện tượng này.

Sao phải thương tật do pháo? - Ảnh 1.

Anh N.Q.Đ. bị tổn thương giập nát lòng bàn tay phải do pháo nổ - Ảnh: A LỘC

Trước tết, Tuổi Trẻ từng có bài phản ánh về tình trạng buôn bán các loại pháo trên mạng cũng như những vụ buôn bán pháo bị công an các địa phương xử lý. Dường như nạn đốt pháo trong dịp tết những năm gần đây xuất hiện lại ngày càng nhiều.

Đì đùng tiếng pháo

Đêm 30 tết, tiếng pháo râm ran nổ tại một số tuyến kênh thuộc địa bàn thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ). Thậm chí tại nhiều khu vực, nhiều người dân phàn nàn về việc các thanh niên không chỉ đốt pháo hoa mà còn đốt cả pháo đại trong đêm giao thừa cũng như rải rác trong mùng 1 tết. Tiếng đì đùng của pháo không khỏi làm các cháu bé giật mình, người lớn lo lắng.

Tương tự, tại các tỉnh miền Đông, Đồng Nai là nơi có khá nhiều vụ đốt pháo xảy ra trong dịp tết vừa qua. Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, từ ngày 23 đến 29-1 (28 tháng chạp đến mùng 5 tết), toàn tỉnh ghi nhận 27 ca tai nạn do pháo nổ, tăng 145,5% so với cùng kỳ năm 2019 (11 ca). Ghi nhận 5 ca tai nạn do chất nổ khác, tăng 150% so với cùng kỳ 2019 (2 ca). 

Hầu hết các ca tai nạn do pháo nổ xảy ra trong và trước thời điểm giao thừa (ngày 24-1, nhằm 30 tết). Trong đó, phần lớn bệnh nhân bị vết thương bàn tay, nhiều người trong đó bị thương nặng phải tháo ngón, giập nát bàn tay.

Ngày 30-1, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai còn 2 bệnh nhân đang điều trị do tai nạn pháo nổ. Cụ thể, anh N.Q.Đ. (42 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) bị tổn thương giập nát lòng bàn tay phải, còn ông P.V.T. (50 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) bị đa tổn thương cổ tay và bàn tay trái, lộ xương đốt xa ngón 3 phải tháo đốt.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông T. cho biết trước tết được người thân đưa cho ba viên pháo nổ to bằng đầu ngón tay. Đêm giao thừa ông đem ra đốt, nhưng do say quá nên "quên" ném đi, pháo nổ làm bàn tay ông bê bết máu. Sau đó, ông được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

"Xưa tôi làm pháo, nhưng từ khi Nhà nước cấm hơn chục năm rồi tôi đâu đốt pháo nữa. Vừa rồi có đứa em về chơi cho ba viên pháo. Đêm giao thừa ăn mừng qua tuổi 49 sang tuổi 50, tôi mang pháo ra đốt. Pháo nắm trong tay nhưng quên ném đi nên bị nổ nát bàn tay" - ông T. nói.

Trong khi đó, trường hợp của anh Đ. có phần xui hơn khi người đi đường đốt pháo rồi ném vào sân nhà anh. Anh Đ. tới nhặt pháo để ném ra ngoài thì bất ngờ pháo nổ khiến bàn tay giập nát.

Khó xử lý

Bác sĩ Hoàng Hữu Huynh - khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho biết cả 2 trường hợp trên đều phải phẫu thuật cấp cứu. Trong đó một trường hợp bị thương rất nặng, giập nát cơ, thần kinh và gân. 

Theo bác sĩ Huynh, tổn thương do pháo nổ là một dạng tổn thương hỏa khí, gây ra sự tàn phá rất lớn. Ba nguyên nhân chính gây ra sự tàn phá đó gồm sức nóng của pháo gây phỏng, thứ hai là áp lực lớn của pháo gây giập nát và thứ ba là các dị vật trong pháo đi vào trong cơ thể.

"Tổn thương do chất nổ gây ra rất lớn, có người mất sức lao động, có người tàn phế và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, người dân không nên đốt pháo cũng như tất cả chất cháy nổ không được pháp luật cho phép" - bác sĩ Huynh chia sẻ.

Ông Võ Cao Cường - chủ tịch UBND phường Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) - cho biết thêm trong dịp Tết Canh Tý 2020, lực lượng chức năng phường đã xử 14 vụ với 15 đối tượng về các hành vi liên quan đến pháo nổ, đề xuất phạt hành chính tổng số tiền hơn 25 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 2 vụ tàng trữ chất nổ trái phép.

Cũng theo ông Cường, việc phát hiện kịp thời, xử phạt các đối tượng sử dụng pháo nổ trái phép gặp nhiều khó khăn. "Lúc anh em phục kích, nghe tiếng pháo nổ chạy đến nơi nhưng không biết ai đốt, người đông nhưng không ai nhận trách nhiệm nên rất khó xử lý" - ông Cường bày tỏ.

Trên 5kg pháo mới xử lý hình sự

Đề cập đến vấn nạn đốt pháo, tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đại tá Văn Quyết Thắng - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - cho rằng đối với hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép khó xử lý hình sự vì luật quy định tàng trữ, sử dụng từ 5kg pháo trở lên mới xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Phú Cường - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai - cũng thừa nhận tình trạng người dân đốt pháo trái phép diễn ra rầm rộ thời gian qua, nhất là tại TP Biên Hòa và thường xảy ra vào những dịp ăn mừng đội bóng đá chiến thắng và Tết Nguyên đán. Ông Cường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát địa bàn, kịp thời xử lý tình trạng mua bán, đốt pháo trái quy định.

Lại nhắc đến… pháo! Lại nhắc đến… pháo!

TTO - Có thể tóm tắt về mấy ngày xuân: vui với rượu bia, buồn về pháo.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên