25/01/2020 01:23 GMT+7

Giao thừa, nhiều nơi pháo nổ công khai như thời chưa bị cấm

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ khoảng 23h đêm 24-1 (tức 30 tháng chạp âm lịch), nhiều nơi ở các tỉnh thành, tiếng pháo rền vang gần như công khai như thời chưa bị cấm.

Pháo nổ tưng bừng ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc - Video: K.X.

Khác với những năm trước, người ta lén lút đốt từng quả pháo, thì năm nay pháo được đốt liên tục kéo dài đến hết thời khắc giao thừa. Ngoài pháo bông tầm thấp, cầm tay, năm nay có nơi người dân còn đón giao thừa bằng pháo bông "tầm cao". 

Thực chất đây là các loại pháo dù, pháo sáng cứu hộ được nhập lậu từ Trung Quốc. Đặc biệt, năm nay các loại pháo bi, pháo bi đại và pháo dàn gần 50 viên lớn kết vào nhau cho tiếng nổ vang, rền từng phát một như tiếng lựu đạn nổ. 

Tại khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cho thấy tình trạng đốt pháo gần như công khai. 

Một hộ dân nhà gần tuyến quốc lộ 1A cho biết giao thừa năm ngoái cũng có tình trạng đốt pháo nhưng lẻ mẻ, năm nay không hiểu từ đâu pháo nhiều vô kể. Nhiều gia đình đã mua sẵn pháo từ trước tết chờ đốt vào trước và trong giao thừa. 

Dọc tuyến quốc lộ 1A giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, chúng tôi ghi nhận cảnh nhiều nhóm thanh niên đứng tràn ra đường đốt pháo nổ và bắn pháo bông trong tiếng cười phấn khích.

Giao thừa, nhiều nơi pháo nổ công khai như thời chưa bị cấm - Ảnh 2.

Pháo lậu đốt rợp trời ở Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: TRIỆU VÂN

Tại TP.HCM, chị H. (P.13, Q.Bình Thạnh) cho biết giao thừa năm nay khu nhà chị ở "rộn ràng" tiếng pháo. Mấy ngày cận tết, ban đầu chỉ là tiếng pháo điện tử nhưng đến gần giao thừa nhiều người đốt pháo thật. 

Từ khoảng 22g đêm giao thừa, thỉnh thoảng lại nghe tiếng đì đùng ở khoảng cách khoảng 100m. Đến giao thừa nhiều tiếng đùng đùng liên tiếp phát ra. Tiếng nổ cỡ pháo đại. Con trai chị đang ngồi trên sofa hét lên "Mẹ ơi, con sợ quá!" rồi chui tọt xuống chân bàn. Chị phải kéo con lên rồi an ủi con mới bớt sợ. 

"Mọi năm việc đốt pháo có xảy ra nhưng chỉ là nhỏ lẻ, lâu lâu 1 tiếng, hoặc đốt pháo bông chứ chưa khi nào rầm rộ như năm nay", chị H. cho biết.

Nhiều khu vực xa xôi người dân cũng mua pháo bông tự bắn dịp Tết Nguyên Đán. Ngay khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa thì tiếng pháo bông cũng nổ đì đùng nhiều phút liền tại một địa điểm tại khu vực thôn 4, xã Tân Thượng, Di Linh, Lâm Đồng. 

Trước đó, ngay từ đầu giờ tối ngày 30 tết, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng pháo nổ rải rác ở nhiều nơi khác nhau tại khu vực này khiến người dân tò mò. Một người dân tại khu vực này cho biết nhiều năm gần đây không thấy người dân ở đây đốt pháo, tuy nhiên năm nay việc đốt pháo tự phát bỗng xuất hiện trở lại.

Đốt pháo ở Hướng Hóa, Quảng Trị - Video: TRIỆU VÂN

Tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh  Phúc, từ trước và sau giao thừa 20 phút, gần như nhà nào cũng đốt pháo, tạo âm thanh như hàng trăm quả bom nổ xung quanh làng xóm. Cảnh tượng pháo nổ đì đùng, ngập trời theo người dân địa phương là diễn ra vào mọi giao thừa. Mấy năm gần đây pháo đốt càng nhiều.

Ở miền Tây Nam Bộ, trước giao thừa 15 phút, người dân ở ven kênh thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, Long An bỗng nghe tiếng pháo nổ. "Tôi chạy ra sau nhà, thấy dưới kênh một chiếc ghe vừa chạy vừa nổ pháo, ánh sáng rực cả một đoạn kênh. Công an xã cũng ở gần đó nhưng không làm gì được vì... không có ghe" - anh Bình - một người dân tại đây- cho biết.

Tại Quảng Trị, dù còn cách giao thừa hơn 15 phút nữa nhưng tại một xã vùng biên thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), hiện tượng người dân tự đốt pháo nhiều khiến bầu trời nơi đây rực sáng dù đang làm đêm. 

Được biết, loại pháo mà người dân tại đây đốt có hai loại pháo nổ và pháo hoa (mỗi dây có thể có từ 5 đến trên dưới 50 quả). Mỗi quả pháo nổ có giá trung bình khoảng 5.000 đồng, pháo hoa có giá từ 350.000 đến hơn 1 triệu đồng/ dây tùy loại. 

Chứng kiến màn pháo nổ rợp trời, ông Nguyễn Cửu D. (ngụ huyện Hướng Hóa), chia sẻ: “Năm trước còn thấy dân quân, công an chạy rảo khắp, chứ năm ni chả thấy ai...”.

Pháo hoa do người dân tự đốt bằng cách nào đó cũng “rợp sáng” trên các trang mạng xã hội. T.H, một người dùng Facebook ngụ huyện Hướng Hóa, cũng nhanh chóng ghi lại những hình ảnh pháo nổ rồi chia sẻ lên trang cá nhân của mình. Hay trang cá nhân có tên S. (cũng ngụ tại huyện Hướng Hóa) đã chia sẻ dòng trạng thái “xung quanh toàn pháo và pháo” kèm clip pháo nổ rợp trời tại đây.

Thời khắc giao thừa tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), pháo hoa vẫn nổ rợp trời dù trước đó công an tỉnh này đã làm rất nhiều cách để ngăn chặn.

Cách giờ giao thừa khoảng 10 phút, tiếng pháo bắt đầu nổi lên râm ran ở một số khu vực phía rìa thành phố như Nghĩa Ninh, Bắc Lý. Đến đúng thời khắc giao thừa, pháo rền vang đồng loạt nhiều nơi trong thành phố. Ánh sáng từ pháo nổ làm cả thành phố Đồng Hới rực sáng. 

Đến gần 1h sáng 25-1, mùng 1 tết, pháo vẫn còn nổ lác đác vài nơi. Tiếng pháo lúc giao thừa làm nhiều người ở Đồng Hới có cảm giác như chưa từng có lệnh cấm. 

Người dân Đồng Hới cho biết năm nay dù có e dè hơn đôi chút vì những biện pháp mạnh tay của công an tỉnh từ trước tết, nhưng nhiều người vẫn lén mua pháo về để sẵn trong nhà, đến giờ chỉ việc châm lửa. Công an tỉnh Quảng Bình cho biết các trinh sát sẽ mặc thường phục và mang theo máy quay phim để ghi hình những người đốt pháo sau đó mới xử lý.

Giáp tết, hàng chục người dân đến nộp pháo cho công an Giáp tết, hàng chục người dân đến nộp pháo cho công an

TTO - Chỉ vài ngày trước tết Nguyên đán 2020, một "sự lạ" là hàng chục người dân tại Quảng Bình đã tự nguyện mang hàng trăm quả pháo nổ đến nộp tại công an các địa phương.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên