05/12/2015 08:44 GMT+7

Sao phải chặt cổ thụ?

NGƯT ĐỖ XUÂN CẨM (cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)
NGƯT ĐỖ XUÂN CẨM (cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)

TT -  Cây cổ thụ là cây không thể chặt hạ tùy tiện, tuy nhiên việc quản lý cây xanh đô thị ở Hà Nội chưa tuân thủ các quy định về quản lý cây xanh...

Cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt hạ trên đường Bưởi - Ảnh: Lâm Hoài

Đọc bài “Mong người dân “thông cảm” vì chặt cổ thụ” trên báo Tuổi Trẻ ngày 3-12-2015, tôi cảm thấy việc quản lý cây xanh đô thị ở Hà Nội không ổn, chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý cây xanh.

Hơn ai hết, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là cơ quan có trách nhiệm thi hành nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.

Theo tinh thần của nghị định, cây cổ thụ là cây phải được bảo tồn (khoản 6 & 7/ điều 2). Ắt mọi người cũng thừa biết đã gọi là bảo tồn thì không thể chặt hạ tùy tiện, ngoại trừ những cây bị chết đứng, bộng ruột, thối thân, trốc gốc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, hoặc cây bị bệnh hay đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn.

Trong số những cây xà cừ ở đường Bưởi, nếu những cây đã có tuổi thọ từ 50 năm tuổi trở lên hoặc có đường kính thân tiêu chuẩn từ 50cm trở lên thì phải bảo tồn.

Những cây đã đạt tuổi cổ thụ lẽ ra phải được bứng dưỡng để di dời, dịch chuyển về nuôi dưỡng ở vườn ươm làm quỹ cây xanh cho các công trình về sau hoặc dịch chuyển đến các đường phố chưa có cây xanh hay các công viên, điểm xanh, công trình văn hóa... thì lại bị chặt hạ hàng loạt một cách phí phạm.

Với những cây chưa đạt tuổi cổ thụ thì lại càng phải bứng dưỡng, chứ cứ chặt bỏ rồi sau này khi cần cây xanh lại phải lấy tiền ngân sách ra đi mua là không hợp lý.

Đành rằng việc xử lý cây trên đường Bưởi và rồi đây trên đường Láng là “trường hợp bất khả kháng” như Công ty Công viên cây xanh đã phát biểu, nhưng tại sao không di dời mà phải chặt hạ?

Điều 14 của nghị định cũng đã nêu rõ khi chặt hạ hoặc dịch chuyển thì phải có hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép và trước khi triển khai việc chặt hạ, dịch chuyển, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương.

Ở đây, có thể Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã nóng vội và bỏ qua quy trình theo luật định, mặc dù trong tay chưa có giấy phép chặt hạ nhưng vẫn thực hiện. Hoặc nếu đã có giấy phép thì công ty đã bỏ qua công đoạn thông báo cho chính quyền địa phương, nên chính quyền địa phương không truyền thông cho người dân được rõ?

Tôi thấy phản ứng của người dân về việc chặt hạ hàng loạt cây cổ thụ như thế là một phản ứng tích cực cần phát huy. Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cần rút kinh nghiệm để xử lý tốt 20 cây ở đường Láng sắp tới theo hướng bảo tồn.

NGƯT ĐỖ XUÂN CẨM (cựu giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên