Sao bộ vẫn im lặng?

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)

TT - Công bằng mà nói, mọi người đón nhận sự thay đổi của Bộ GD-ĐT ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 khá đồng tình.

Là cán bộ quản lý một trường THPT, chúng tôi đã đón nhận, tích cực đưa ra các biện pháp từ tuyên truyền, hướng dẫn học sinh chọn môn thi, định hướng thầy cô ôn tập học kỳ II, ôn thi tốt nghiệp THPT... Kể ra thì đơn giản vậy đó, nhưng đối với các trường THPT, để làm được điều này quả không đơn giản tí nào. Từ thực tế trong thời gian qua, tôi có mấy ý kiến:

1 Thi học kỳ II, bộ chưa có chỉ đạo gì cả? Trong khi điểm thi học kỳ II sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điểm trung bình cả năm lớp 12. Có giới hạn ở bài học trong học kỳ II? Bộ thả nổi... và Sở GD-ĐT thì chỉ đạo chung chung.

2 Các môn toán, lý, hóa, sinh xem ra có vẻ yên ổn hơn. Nhưng ranh giới giữa nhận biết, thông hiểu cũng không rõ ràng lắm. Trong nhiều lần dự sinh hoạt tổ chuyên môn, tôi đã chứng kiến tranh luận khá gay gắt giữa các giáo viên trong tổ chuyên môn về câu hỏi này là nhận biết hay thông hiểu? Cần lắm một hình mẫu để các trường THPT làm căn cứ ôn tập. Tiếc thay Bộ GD-ĐT vẫn im lặng!

3 Rối nhất vẫn là các môn khoa học xã hội. Ở môn văn tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định cấu trúc của đề thi môn văn!? Sao một vấn đề quan trọng vậy, ảnh hưởng đến cả triệu thầy cô và học sinh mà lại không có văn bản chỉ đạo? Vụ Giáo dục trung học đứng ở đâu? Tôi trao đổi với giáo viên đang ôn tập môn văn, thầy cô vẫn cứ băn khoăn! Ôn theo hướng nào đây?

Đành rằng là dạy học trong cả một năm nhưng ôn thi quan trọng lắm, đặc biệt là với yêu cầu sử dụng kiến thức kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời. Điều này đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo rõ ràng để thầy cô có căn cứ ôn tập.

Môn sử, địa dài quá. Học sinh “ngán ngẩm”! Vậy hướng ra đề sẽ là gì? Sao không mạnh dạn giảm tải để học sinh tập trung vào một số vấn đề cơ bản, kiểm tra kỹ năng vận dụng, vẽ biểu đồ, dựa vào Atlat địa lý như thế nào? Yêu cầu đến đâu trong một đề thi? Bộ GD-ĐT vẫn im lặng!

4 Ở môn tiếng Anh năm nay có phần viết luận, phần này có bao nhiêu điểm trong đề thi? Nên giới hạn một số chủ đề để thầy cô và học sinh vùng khó thuận tiện cho ôn tập. Cũng chưa thấy Bộ GD-ĐT hướng dẫn gì cả.

5 Lịch thi tốt nghiệp đã có, Bộ GD-ĐT có lường đến và sẽ xử lý như thế nào khi học sinh không đến trường thi được do dông, lốc, mưa đá (thực tế thời tiết thời gian qua cho thấy rất khắc nghiệt nhưng lại diễn ra trong thời gian ngắn, vậy là học sinh sẽ trễ giờ thi)... Đành rằng đã có nói tại khoản 3 điều 17 theo thông tư số 10/2012/TTBGDĐT ngày 6-3-2012 của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn còn chung chung lắm. Các hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT sẽ rất lúng túng khi xử lý!

Kỳ thi học kỳ II, thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Mong lắm những hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thi tốt nghiệp THPT 2014: Mù mờ cấu trúc đề thiGiảm thời gian, tăng độ khó? Thi tốt nghiệp THPT 2014 bốn môn, Ngoại ngữ là môn tự chọnChốt thời hạn đăng ký môn thi tốt nghiệp ngày 7-5Chính thức thi tốt nghiệp THPT bốn môn

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên