12/03/2021 06:04 GMT+7

Sáng 12-3, có 2 ca mắc COVID-19 tại Hải Dương, lây chéo trong khu cách ly

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Bản tin 6h ngày 12-3 của Bộ Y tế cho biết có 2 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Hải Dương. Hiện Việt Nam có tổng cộng 2.535 bệnh nhân COVID-19. Thế giới đã ghi nhận vượt mốc 119 triệu người mắc COVID-19.

Sáng 12-3, có 2 ca mắc COVID-19 tại Hải Dương, lây chéo trong khu cách ly - Ảnh 1.

Hình ảnh tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại tỉnh Hải Dương ghi nhận qua ống kính Hãng tin Reuters - Ảnh: REUTERS

Hai ca mắc mới (BN2534-2535) ghi nhận trong nước tại Hải Dương. Cụ thể:

- Ca bệnh 2534 (BN2534) ghi nhận tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, là F1 của BN2528, đã được cách ly tập trung từ ngày 8-3-2021.

Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

- Ca bệnh 2535 (BN2535) ghi nhận tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là công nhân Công ty Poyun, đã được cách ly tập trung từ ngày 28-1-2021, đến ngày 16-2-2021 ghi nhận BN2299 ở cùng phòng cách ly.

Ngày 27-2-2021 bệnh nhân có triệu chứng ho, đau rát họng, được lấy mẫu cho kết quả xét nghiệm nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2; tiếp tục lấy mẫu các ngày 1-3, ngày 5-3 để xét nghiệm lại.

Ngày 6-3 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Đây là ca bệnh có thông tin rõ ràng về việc lây chéo trong khu cách ly. Trước đó, trong các ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 đã có trên 10 ca bệnh đã cách ly trên 1 tháng nhưng không có thông tin dịch tễ rõ ràng.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), ngày 11-3 có thêm 5 địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 là Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Long An. Tính đến cuối giờ chiều ngày 11-3, có thêm 630 người được tiêm chủng an toàn vắc xin COVID-19 trong ngày thứ tư triển khai.

Như vậy, sau bốn ngày, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 1.585 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

13 tỉnh thuộc kế hoạch đợt 1 đang khẩn trương tổ chức tập huấn, triển khai kế hoạch đến các huyện thị và tiến hành các công tác chuẩn bị mở rộng diện triển khai từ cuối tuần này.

Chi tiết 1.585 người được tiêm tại 13 cơ sở của 9 tỉnh/TP trong bốn ngày 8 đến 11-3 như sau:

- Tỉnh Hải Dương: 293 người

- TP Hà Nội: 163 người

- Tỉnh Hưng Yên: 69 người

- Tỉnh Bắc Ninh: 108 người

- Tỉnh Bắc Giang: 187 người

- TP Hải Phòng: 61 người

- TP.HCM: 474 người

- Tỉnh Gia Lai: 200 người

- Tỉnh Long An: 30 người

Chương trình TCMR ghi nhận thêm bốn trường hợp phản vệ độ 2 được xử lý kịp thời và tình trạng sức khỏe đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi. Một số trường hợp khác có phản ứng sau tiêm thông thường. Trước đó, trong ngày tiêm đầu đã ghi nhận hai trường hợp gặp phản ứng phản vệ độ 2.

Trong khi đó, theo trang worldometers.com, tính đến 6h sáng 12-3, thế giới ghi nhận 119.066.829 trường hợp đã và đang mắc COVID-19, trong đó 94.563.841 trường hợp đã khỏi bệnh và 2.640.223 trường hợp tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hơn 95,7 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn nước Mỹ, trong đó có ba loại vắc xin đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Ngày 11-3, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Johnson&Johnson (Mỹ). Đây là vắc xin ngừa COVID-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Trong một tuyên bố, người đứng đầu EMA - bà Emer Cooke cho biết với quyết định trên, giới chức các nước EU sẽ có thêm một sự lựa chọn nữa trong phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân. Bà cho biết đây là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên chỉ cần tiêm một mũi.

Quyết định trên của EMA đã tạo ra cú huých cho chương trình tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp trong EU, thậm chí có tin cho rằng lô vắc xin Johnson&Johnson đầu tiên cho đến tháng 4 mới tới các nước châu Âu.

Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng ba vắc xin của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford. Trong khi đó, ba vắc xin ngừa COVID-19 khác đang được EMA xem xét gồm vắc xin Novavax, CureVac và Sputnik V của Nga.

Vắc xin COVID-19 của Pfizer, Moderna và J&J, loại nào tốt hơn? Vắc xin COVID-19 của Pfizer, Moderna và J&J, loại nào tốt hơn?

TTO - Xung quanh vắc xin COVID-19 vẫn còn rất nhiều câu hỏi và hiểu lầm phổ biến, 'loại này tốt hơn loại kia' hoặc 'tiêm vào là không nhiễm bệnh' nằm trong số những cách hiểu sai.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên