17/12/2024 22:56 GMT+7

Sản phẩm OCOP gặp khó vì đụng hàng nhái, giả tràn lan

Cho rằng chương trình OCOP là chương trình ý nghĩa nhưng nhiều chuyên gia và chủ thể cho biết việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt "bị đuối" vì vấn nạn hàng nhái, giả tràn lan.

Sản xuất sản phẩm OCOP gặp khó vì đụng hàng nhái, giả tràn lan - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP, làng nghề vẫn là thế mạnh của Việt Nam - Ảnhh: N.TRÍ

Ngày 17-12, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn quảng bá và kết nối phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn văn hóa các tỉnh phía Nam.

Sản phẩm OCOP mất khỏi thị trường vì hàng nhái, giả

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khôn - chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) - cho biết đang sở hữu hàng trăm nghìn cây dược liệu và có sản phẩm được chứng nhận OCOP nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo ông Khôn, để làm được sản phẩm OCOP 4 sao nông dân phải đáp ứng tới 10 tiêu chí cứng như môi trường, sở hữu trí tuệ, sản xuất... và phải "gõ cửa" nhiều ban ngành để được hỗ trợ, chứng nhận... Do đó để có sản phẩm OCOP phải tốn nhiều chi phí, thời gian rất dài.

Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, nhái ăn theo sản phẩm OCOP trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều với chất lượng và giá bán thấp khiến sản phẩm OCOP được đầu tư bài bản bị bóp nghẹt, gặp khó khi tiêu thụ, thậm chí dần mai một và mất khỏi thị trường.

"Chương trình OCOP là chương trình hay, được sự hỗ trợ mạnh từ Nhà nước. Góc độ sản xuất, chúng tôi rất tâm huyết. Thế nhưng việc hàng giả hàng nhái ngày một nhiều khiến chúng tôi mất tinh thần. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý vấn nạn này, phải làm hết sức", ông Khôn nói.

Góc độ nhà vườn, ông Bùi Ngọc Đức - đại diện Làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - cho biết làng mai có hơn 600ha và hơn 670 hộ nông dân, đây là sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, sản phẩm OCOP của TP. Tuy nhiên, người dân gặp nhiều khó khăn khi xây dựng thương hiệu và quảng bá, nguồn vốn hạn chế, đặc biệt là gặp khó trong việc phát triển thêm du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp.

"Muốn tồn tại thì nông dân phải bán được sản phẩm, sống được trên mảnh đất của họ. Nhưng muốn xây dựng nơi tiếp khách, hạ tầng cơ bản về du lịch sinh thái trên đất nông nghiệp thì lại vướng các quy định về xây dựng", ông Đức than.

Theo ông Đức, Nhà nước cần có cơ chế riêng, hài hòa hơn để tháo gỡ những khó khăn này, từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, làng nghề.

Đầu tư mạnh nhưng vẫn lo về bao bì, thương mại

Góc độ chuyên gia về bao bì, bà Huỳnh Thị Thu Hằng - giám đốc Công ty Nhân Khang (TP.HCM) - cho rằng các sản phẩm OCOP Việt Nam dần đa dạng nhưng đâu đó vẫn chưa thật sự sâu sắc và đầu tư mạnh cho khâu bao bì, hình ảnh. Bà Hằng cho rằng nếu làm tốt hơn vấn đề này, bên cạnh chất lượng, sản phẩm OCOP sẽ được thương mại tốt hơn.

Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết TP thường xuyên có những chương trình hỗ trợ chủ thể OCOP như đào tạo bán hàng, hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn ưu đãi, dành không gian để triển lãm, xúc tiến hằng tháng, quý... Tuy nhiên chủ thể và sản phẩm OCOP nhìn chung còn những khó khăn, nhất là tình trạng sản phẩm bị đuối đầu ra.

"Cần phân nhóm, sản phẩm OCOP khác nhau, chuyên sâu hơn để có được cơ chế chính sách khác nhau. Ngoài ra, đẩy mạnh việc gặp gỡ những doanh nghiệp hàng đầu và chủ thể sản phẩm OCOP để tăng tính học hỏi, mua bán, đầu tư, nhất là sản phẩm OCOP 4-5 sao".

Nhiều chuyên gia cho biết rất nhiều sản phẩm làng nghề, OCOP đẹp nhưng cầm sản phẩm không biết rõ nguồn gốc từ đâu, thông điệp về câu chuyện. Do đó, ngoài câu chuyện về chứng nhận, về an toàn thực phẩm, chúng ta phải đầu tư hơn câu chuyện về thông tin, văn hóa của làng nghề, sản phẩm.

Ông Lê Đức Thịnh - cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết những khó khăn được các doanh nghiệp, đơn vị nêu ra tại diễn đàn sẽ được ngành nông nghiệp tiếp thu và sẽ sớm có giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ.

"Thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP là thế mạnh của Việt Nam. Do đó, Nhà nước sẽ tiếp tục các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo, đặc biệt sẽ tập trung nhiều nhất cho con người, vì đây là hồn cốt, là yếu tố quyết định cho ngành nghề, sản phẩm OCOP.

Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến, đặc biệt tới đây sẽ có hội chợ quốc tế về làng nghề với quy mô lớn được tổ chức tại Việt Nam", ông Thịnh nhấn mạnh.

Kênh online cam kết tăng hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp đến từ các công ty hỗ trợ kinh doanh online, các sàn thương mại điện tử như TikTok, Shopee... cho biết tới đây sẽ phối hợp với các đơn vị, sở ngành để tăng hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trong đó nhiều đơn vị khẳng định sẽ miễn và giảm các loại phí cho sản phẩm OCOP khi tham gia quảng bá, bán hàng.

Sản xuất sản phẩm OCOP gặp khó vì đụng hàng nhái giả tràn lan - Ảnh 2.Gần Tết, Đà Nẵng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua livestream

Nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quảng bá sản phẩm OCOP qua livestream, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức chương trình “Ngày hội quảng bá sản phẩm Đà Nẵng 2024”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên