Du khách quốc tế trong một tour từ TP.HCM về Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long tại TP.HCM chiều 14-8, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết với vai trò trung tâm liên kết trong phát triển du lịch, TP.HCM sẽ là cầu nối liên kết, hợp tác với các địa phương, xác định cụ thể đặc thù của từng địa phương để xây dựng các nội dung phối hợp cụ thể.
Các hoạt động trong diễn đàn lần thứ 1 năm nay sẽ căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan, từ đó khắc phục những hạn chế, đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững.
Theo ông Nguyễn Đông Hòa - phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, có đến 70% du khách quốc tế muốn khám phá các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thống kê trên một trang kinh doanh du lịch trực tuyến lớn, cho thấy khi gõ chữ "tour mekong delta" có đến hơn 100 tour chuyên về các điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong hơn 200 tour được chào bán trên trang này. Điều này có nghĩa tour về miền Tây chiếm hơn 50%.
Do đó, theo ông Hòa, miền Tây vẫn đang có một sức hút rất lớn và dòng chảy tour về miền Tây vẫn rất tốt. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng một thách thức hiện nay là làm sao để xây dựng những chương trình mới, đặc sắc để tránh trùng lắp sản phẩm giữa các địa phương.
Ông Trần Đoàn Thế Duy - phó tổng giám đốc Vietravel - cũng cho rằng hiện công ty du lịch nào cũng có sản phẩm đi về miền Tây, thông thường không đi một tỉnh cụ thể mà liên kết nhiều tỉnh. Nhưng qua tỉnh khác cũng thấy các sản phẩm tương tự, na ná nhau, đi tỉnh này đã đoán được tỉnh kia như thế nào.
Đây là vấn đề cần được giải quyết tại diễn đàn lần này bên cạnh câu chuyện kết nối hạ tầng đường bộ, đường hàng không.
Với tình hình hạ tầng hiện nay, nhiều người nghĩ rằng đi về miền Tây chỉ cần đến một tỉnh là được do đường sá chưa thuận tiện kết nối các nơi với nhau.
Bà Cao Xuân Thu Vân - giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu - cho biết du lịch cụm phía tây của Đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh thành trọng điểm Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.
Hiện nay, nhận thức được sự trùng lắp trong các sản phẩm du lịch giữa các địa phương, các địa phương đã ngồi lại để khắc phục điểm yếu này.
Theo phác thảo của bà Vân, kế hoạch này sẽ phát triển, đưa du lịch Cần Thơ gắn với du lịch sông nước. Sang du lịch tâm linh không địa phương nào qua được An Giang, còn Kiên Giang là sản phẩm du lịch biển đảo, Cà Mau phát triển du lịch cộng đồng.
Trong khi đó, Bạc Liêu sẽ được biết đến với du lịch xanh lấy các công trình về kinh tế phục vụ du lịch như điện gió hay sản phẩm tôm Bạc Liêu.
"Trong ẩm thực, du khách phải có ấn tượng xuống Bạc Liêu ăn tôm tươi, nhưng muốn ăn cá lóc nướng trui thì phải chọn Cần Thơ, An Giang, phân chia đặc trưng như vậy du khách sẽ biết cần lựa chọn gì khi xuống miền Tây", bà Vân nói thêm.
Diễn đàn năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5-9 tại TP.HCM với 5 hoạt động chính gồm:
- Triển lãm ảnh giới thiệu các danh mục đầu tư, điểm đến, sản phẩm du lịch của các địa phương
- Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư vào hạ tầng văn hóa - thể thao; du lịch - giải trí TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
- Hội thảo kết nối phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
- Hội nghị cấp cao về liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đêm gala "Hương sắc Việt Nam" (được tổ chức kết hợp trong khuôn khổ của gala dinner chào mừng Hội chợ quốc tế TP.HCM 2019).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận