29/06/2016 07:04 GMT+7

Tấn công khủng bố sân bay Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 36 người chết

DUY LINH - Đ.K.L
DUY LINH - Đ.K.L

TTO - Ít nhất 36 người chết, 147 người bị thương tại sân bay Ataturk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-6 khi 3 kẻ khủng bố xả súng, kích hoạt bom trên người. 

Hành khách an ủi nhau sau vụ tấn công ở sân bay Ataturk - Ảnh: AP
Hành khách an ủi nhau sau vụ tấn công ở sân bay Ataturk - Ảnh: AP

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số người chết có thể tăng lên 50 người. 147 người bị thương đang được cấp cứu.

7g15 sáng 29-6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim xác nhận ít nhất 36 người chết và vụ này liên quan IS. Mỹ lập tức lên án mạnh.

​Đây là sân bay lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và nhộn nhịp thứ ba ở châu Âu. 

Một số nhân chứng khẳng định có ít nhất hai vụ nổ tại sân bay.

Cảnh sát bố ráp sân bay sau vụ nổ - Ảnh: Reuters.

Vụ nổ cực lớn 

Trong khi đó, ông Sahin tiết lộ nhà chức trách tin rằng có nhiều hơn ba kẻ đánh bom tự sát tham gia tấn công.

Anh Ali Tekin, một nhân chứng kể lại: “Có một vụ nổ lớn, cực kì lớn. Nền nhà sụp , cảnh tượng bên trong nhà ga thật kinh hoàng, bạn sẽ không thể nhận ra được nó đâu. Thiệt hại rất lớn”.

Thời điểm xảy ra vụ tấn công, anh Ali đang chờ khách ở cổng đến của nhà ga nên không bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi đó, một phụ nữ quốc tịch Đức tên Duygu lại không may mắn khi mắc kẹt bên trong nhà ga. Khi vừa làm xong thủ tục nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ thì cô bắt đầu nghe tiếng súng, rồi một vụ nổ lớn bất ngờ xảy ra, ép cô nằm rạp xuống đất.

Nguồn: Youtube 

Vẫn chưa hết kinh hoàng, Duygu kể tiếp: “Mọi người bắt đầu chạy tán loạn. Khắp nơi chỉ toàn là máu và xác người. Tôi còn thấy rõ những vết đạn lỗ chỗ trên tường”.

Lời kể của Duygu cũng trùng khớp với nhiều người có mặt tại hiện trường rằng họ nghe thấy rất nhiều tiếng súng trường vang lên trước vụ nổ.

Hàng chục xe cứu thương được điều đến hiện trường sau vụ tấn công -  Ảnh: Reuters

Gần như đối mặt với kẻ khủng bố, ông Paul Roos, 77 tuổi vẫn nhớ như in khoảnh khắc thấy tên khủng bố xả súng bừa bãi và vô tội vạ vào những người xung quanh.

“Hắn bắn đầu bắn những người đứng trước mặt hắn. Hắn mặc bộ đồ toàn màu đen nhưng không đeo mặt nạ. Tôi đứng cách hắn chỉ khoảng 50 mét”.

Khẩu súng bị vứt lại trên sàn được cho là của những kẻ khủng bố

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bekir Bozdag cho biết ít nhất một tên trong số những kẻ tấn công sử dụng súng trường tự động AK-47. Trước đó, tại hiện trường, nhà chức trách đã phát hiện được một khẩu súng bị vứt lại trên sàn.

“Theo tất cả những gì tôi nhận được cho tới thời điểm này thì tại lối vào nhà ga sân bay quốc tế Ataturk, một tên khủng bố đã nã những phát đạn đầu tiên bằng một khẩu súng trường của hãng Kalashnikov (Nga) rồi sau đó kích hoạt bom, tự làm chúng nổ tung”.

*Xem video cảnh nổ tung tại sân bay (Nguồn: Dailymail):

Nói với Reuters, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho hay, cảnh sát đã cố gắng ngăn chặn hai kẻ tấn công khi chúng tiến về chốt kiểm soát an ninh ở nhà ga đến. Tuy nhiên, bọn này đã tự kích hoạt bom mang theo trên người và nổ tan xác.

Hiện vẫn chưa có bất kỳ tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công.

Vị trí sân bay Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ - Đồ họa: Dailymail.

 

Thủ phạm có thể là IS

Hãng thông tin Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin từ cảnh sát tiết lộ, dựa vào những chỉ dấu ban đầu sau vụ tấn công, có thể thủ phạm là IS.

Tuy nhiên, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định vẫn còn quá sớm để quy trách nhiệm cho bất kỳ tổ chức nào.

Sân bay ngay lập tức đã bị phong tỏa sau vụ tấn công, hàng chục xe cứu thương được huy động tới hiện trường. Nhà chức trách cũng huy động cả xe taxi để làm phương tiện vận chuyển người bị thương tới bệnh viện.

Một người đàn ông bế trẻ con bị thương chạy thoát khỏi vụ khủng bố

 

Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan đã lên án những kẻ khủng bố và tuyên bố đây sẽ là bước ngoặt trong trong cuộc chiến của nước này chống lại các nhóm phiến quân.

“Những quả bom đã nổ ngày hôm nay có thể sẽ tiếp tục nổ ở bất kỳ sân bay và bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Vụ tấn công ngay trong thời điểm diễn ra tháng chay Ramadan đã cho thấy chủ nghĩa khủng bố không màng tới những đức tin và giá trị”

Reuters dẫn nguồn từ một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phần lớn số người chết trong vụ tấn công mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ song vẫn không loại trừ khả năng có người nước ngoài.

Một trong 3 kẻ khủng bố dùng súng AK tại hiện trường bị camera ghi nhận
Một trong 3 kẻ khủng bố dùng súng AK tại hiện trường bị camera ghi nhận

 

Nhà chức trách xác định có ít nhất 3 tên thực hiện vụ tấn công. Cả ba vụ nổ lần lượt đều do chúng thực hiện. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kì còn cho biết thêm, trước khi kích hoạt tự nổ, ba tên này đã xả súng bừa bãi vào người xung quanh.

Mỹ, đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức phản ứng trước sự việc trên. Từ Washington, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ lên án vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất và cam kết đứng cùng Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim, ba kẻ tấn công đến sân bay bằng taxi nhưng từ chối đưa ra bất kỳ thông tin nào về danh tính và quốc tịch của những kẻ tấn công.

Dòng người rời khỏi sân bay Ataturk sau vụ tấn công - Ảnh: REUTERS
Dòng người rời khỏi sân bay Ataturk sau vụ tấn công - Ảnh: REUTERS

Một phần sân bay đã hoạt động lại

Đoạn clip dưới đây được ghi hình lại thông qua hệ thống camera giám sát cho thấy một kẻ tấn công bị cảnh sát bị ngã xuống sàn. Sau đó có một người tới hỏi han tên này rồi bỏ chạy trước khi kẻ tấn công kích hoạt bom tự sát gây ra vụ nổ lớn.

Kẻ tấn công bị cảnh sát bắn trúng ngã xuống sàn và không thể lao vào một vị trí đang có đông người, nếu không, số người thiệt mạng có thể tăng cao.

Ataturk là sân bay lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và là sân bay nhộn nhịp thứ ba tại châu Âu. Một quan chức của hãng hàng không Turkish Airlines cho biết nhiều chuyến bay cất cánh tại đây đã bị hoãn, hành khách được chuyển sang một khách sạn gần đó. Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức sân bay cho biết sau khi gián đoạn hoạt động một lúc, một phần sân bay đã hoạt động trở lại.

Binh sĩ và nhân viên y tế cấp cứu người bị thương vong sau vụ nổ - Nguồn: Twitter
Người bị thương chuẩn bị được đưa lên xe cấp cứu - Ảnh: REUTERS
Người bị thương chuẩn bị được đưa lên xe cấp cứu - Ảnh: REUTERS
Hành khách rời sân bay Ataturk - Ảnh: REUTERS
Hành khách rời sân bay Ataturk - Ảnh: REUTERS

 

Lực lượng y tế sơ cứu người bị thương - Ảnh: REUTERS
Lực lượng y tế sơ cứu người bị thương - Ảnh: REUTERS

Những vụ đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua

2016

- Ngày 28-6: ít nhất 36 người thiệt mạng trong ba vụ xả súng và đánh bom liều chết tại sân bay Ataturk tại Istanbul.

- Ngày 7-6: Ít nhất 7 cảnh sát và 4 thường dân thiệt mạng trong vụ đánh bom bằng xe hơi tại trung tâm Istanbul.

- Ngày 13-3: Ít nhất 34 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương trong vụ đánh bom liều chết bằng xe hơi tại thủ đô Ankara. Nhóm Chim cắt tự do người Kurd (TAK) - một chi của nhóm phiến quân Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đứng ra nhận trách nhiệm.

- Ngày 17-2: Ít nhất 29 người thiệt mạng trong vụ đánh bom bằng xe nhắm vào lực lượng quan đội Thổ tại Ankara. Nhóm TAK cũng đứng ra nhận trách nhiệm vụ này.

- Ngày 12-1: Một kẻ đánh bom người Syria tấn công vào quận Sultanahmet tại Istanbul làm 11 khách du lịch Đức thiệt mạng và 16 người khác bị thương.

2015

- Ngày 10-10: Đây là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Hai vụ đánh bom tự sát nhắm vào cuộc tuần hành hòa bình của nhóm ủng hộ người Kurd tại thủ đô Ankara làm 103 người chết và ít nhất 500 người bị thương. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nghi IS là thủ phạm.

- Ngày 20-7: Vụ đánh bom tự sát vào thị trấn Suruc ở gần biên giới với Syria làm 34 người chết và hơn 100 người bị thương.

2013

- Ngày 11-5: Vụ tấn công bằng xe bom làm 52 người ở thị trấn Reyhanli - gần biên giới với Syria - chết. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đổ trách nhiệm cho nhóm thân Syria.

- Ngày 11-2: 17 người chết trong vụ nổ xe buýt chở người Syria tại thị trấn Reyhanli.

2008

- Ngày 27-7: Hai quả bom tại Istanbul phát nổ làm 17 người chết, 115 người bị thương. Chính phủ Thổ đổ trách nhiệm cho nhóm PKK.

2003

-Trong hai ngày 15 và 20 tháng 11: bốn vụ tấn công liều chết bằng xe mang bom tấn công vào hai nhà thờ Hồi Giáo, lãnh sự quán Anh và một chi nhánh ngân hàng HSBC tại Istanbul làm 63 người chết và hằng trăm người khác bị thương. Trong số người thiệt mạng có tổng lãnh sự Anh tại Istanbul.

Tổ chức khủng bố Al-Qaeda và nhóm Thổ cực đoan Mặt trận Hồi giáo của chiến binh phương đông nhận trách nhiệm vụ tấn công.

DUY LINH - Đ.K.L
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên