18/10/2018 18:23 GMT+7

Sài Gòn có một thời như thế và Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Lê Văn Nghĩa cùng gắn bó với Sài Gòn qua suốt thời biến động bằng cả tuổi thanh xuân. Cả hai ông vừa cho ra hai quyển sách ghi chép về Sài Gòn.

Sài Gòn có một thời như thế và Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Thật thú vị, hai quyển sách là những mảng miếng nội dung tâm sự bổ sung cho những ai không ngừng yêu thương và còn muốn tìm hiểu, sẻ chia với thành phố này.

Một Sài Gòn yên bình trong thời chiến

Sài Gòn có một thời như thế gồm những ghi chép tản mạn của KTS Nguyễn Hữu Thái, cũng chính là một phần trải nghiệm của ông từ tuổi học sinh đến khi trưởng thành tại đô thị lớn nhất miền Nam từ năm 1954 đến 1975.

Những câu chuyện của Sài Gòn trong khoảng thời gian ấy do một chứng nhân thuật lại mang đến cho bạn đọc rất nhiều câu chuyện: phong trào sinh viên học sinh trong lòng đô thị được tác giả ghi chép với tư cách là một chứng nhân có dự phần; về chuyên ngành kiến trúc, bên cạnh việc lược thuật lại quá trình xây dựng dinh Độc Lập, ở đây còn đề cập đến công trình thủy điện Đa Nhim và xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa...

Đặc biệt, những trang viết về phong trào Phật giáo từ thời đệ nhất Cộng hòa với vai trò của thượng tọa Trí Quang là một bổ sung quan trọng cho lịch sử Việt Nam hiện đại ở mảng này. Bởi tác giả có mối liên hệ với các nhân vật lãnh đạo phong trào Phật giáo, nên những trang viết ở đây là một góc nhìn khác.

Những trang viết về một Sài Gòn yên bình trong thời chiến là phần đặc biệt của tập sách.

Người đọc như thấy lại một khung cảnh nên thơ của bùng binh Cây Liễu trước tòa đô chính, cùng chia sẻ những cảm nhận về hương vị Bắc qua các món ăn giữa Sài Gòn, lại thú vị khi tác giả ghi nhận từ năm 1960 trên đại lộ Nguyễn Huệ bắt đầu có chợ hoa mỗi độ xuân về, cho thấy tuổi đời của chợ hoa Nguyễn Huệ có từ thời Cộng hòa và còn duy trì đến tận ngày nay...

Và một đô thị đang lặn sâu vào ký ức

Ở một chiều kích khác, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian của nhà báo Lê Văn Nghĩa lại là một đô thị đang lặn sâu vào ký ức của một tác giả từng tha thiết gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên.

Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa trong tập sách này có sức hút đến độ không để bạn đọc dừng lại giữa chừng. Mạch ký ức của tác giả thật ghê gớm, nó như từ máu thịt của một thời thanh xuân dồn nén lại, nằm im đó đến ngày trình hiện.

Một con đường mang tên Lũy Bán Bích gợi lại bước chân tiền nhân mở đất phương Nam và kéo người đọc đi vòng qua Tân Bình, về khu chợ Dinh Điều Khiển, nhìn lại chỗ ngày xưa Trần Thắng Tài lập chợ mà giờ đây là nhà bưu điện nằm trong khu phố người Hoa...

Nhưng như vậy thì có gì hấp dẫn?

Không, tác giả không viết như một nhà khảo cứu, mà mỗi nơi ngóc ngách của Sài Gòn được đề cập đều như thể chính là một phần đời của tác giả, những con đường nữ sinh áo trắng, từ bao giờ phong cách giới nữ đi xe Velo Solex trở thành mốt ở Sài Gòn, những tiệm chụp hình, góc đường uống bia, bánh mì Sài Gòn trên lề đường và trong thơ ca... tất tần tật đều thân thuộc quá, tiện tay tác giả quăng ra cho bạn đọc dòm chơi, rồi à lên thú vị.

Cái hay của Lê Văn Nghĩa còn ở chỗ thông qua những dòng rất riêng, được ông gọi bằng cách dân dã là "tôi đang moi ký ức để sống và sống bằng ký ức", người ta lại thấy cả sự chuyển mình phát triển của một đô thị.

Từ câu chuyện về chiếc xe thổ mộ đến xe lửa Pháp và xe lửa Mỹ, người đọc thấy cả cái trục phát triển giao thông đường dài của Sài Gòn và miền Nam một thời.

Hay từ câu chuyện hi hữu: miền Nam vận động cứu trợ thiên tai xảy ra ở miền Bắc năm 1971 từng rầm rộ trên báo chí Sài Gòn, được tác giả lưu ý như một biểu hiện về "tấm lòng người Sài Gòn" trong khối đoàn kết Bắc Nam. Và câu chuyện về những thời kỳ thăng trầm của xe buýt Sài Gòn cũng sẽ là mối quan tâm chưa dừng lại của công chúng hôm nay...

Càng đọc, mới thấy sức cường ký của Lê Văn Nghĩa thật đáng nể, nhưng đáng khâm phục hơn là chính số phận đã ký gửi nơi cuộc đời ông nhiều câu chuyện tưởng giản đơn nhưng ẩn chứa nhiều tầng nghĩa. Rồi bạn đọc sẽ có thời gian khám phá dần dần qua những trang sách rất có duyên.

Người Sài Gòn xưa lo phố vắng cây Người Sài Gòn xưa lo phố vắng cây

TTO - Không phải chỉ hôm nay, người Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 1950 cũng đã sốt ruột lo lắng chuyện những mảng xanh trong thành phố bị biến mất, nhường chỗ cho nhà cửa, công trình.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên