30/06/2013 09:31 GMT+7

Sách giáo khoa điện tử: những khúc mắc

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - 12 bộ sách giáo khoa (SGK) điện tử được khóa cứng trong máy tính bảng mang tên Classbook do NXB Giáo Dục độc quyền bán với giá 4,8 triệu đồng đang là vấn đề dư luận quan tâm, đặc biệt với những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, xuất bản và thiết bị trường học.

Sách giáo khoa điện tử dành cho ai?Sách giáo khoa điện tử có dành cho HS nghèo?

uQYFWgMx.jpgPhóng to
Khách hàng tìm hiểu thông tin Classbook tại nhà sách Phương Nam (TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng việc SGK điện tử gắn chặt với thiết bị đọc sách của NXB Giáo Dục là đi ngược lại tinh thần phổ biến SGK rộng rãi và mất đi tính tốt đẹp của chủ trương số hóa SGK cũng như các xuất bản phẩm điện tử.

Không theo thông lệ

"Con út của tôi học lớp 10. Rất muốn mua máy, nhưng cứ nghĩ số tiền chi trả gộp cho cả sách từ lớp 1 đến lớp 9 mà con không cần dùng nữa, tôi thấy lãng phí"

Chị Vũ Mai Anh(Cầu Giấy, Hà Nội)

Ông Hà Thân, tổng giám đốc Công ty phần mềm Lạc Việt, cho rằng việc gắn chặt sách với thiết bị để ngăn ngừa ăn cắp nội dung sách là một cách làm không giống thông lệ các nước và các hãng công nghệ lớn đang làm. Ở các nước, luật bản quyền rất chặt chẽ và bộ giáo dục chỉ đưa ra khung chương trình, còn nội dung SGK sẽ do các giáo viên giỏi viết và bán với những mức giá khác nhau, người học có thể lựa chọn cho mình bộ SGK phù hợp. Ấn Độ có những máy tính bảng với giá 35 USD phục vụ cho học tập, Hãng Intel cũng có dự án làm những chiếc máy tính giá khoảng 35 USD để hợp tác với chính phủ các nước phát cho học sinh và học sinh có thể tự do tải về bất cứ SGK hay tài liệu học tập nào. Các hãng như Amazon cũng bán sách và thiết bị riêng để người dùng tự do lựa chọn và chỉ trả tiền cho sản phẩm nào muốn mua. Lạc Việt là đơn vị làm sách điện tử từ năm 2008 và từng hợp tác với NXB Giáo Dục để triển khai dự án số hóa SGK từ năm 2010 nhưng không làm được vì nguồn thu của NXB Giáo Dục chủ yếu từ bán SGK giấy, nếu số hóa sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.

TS Lê Thống Nhất, phó giám đốc Công ty VTC Online, cho rằng dự án này có những điểm lạ như: thông thường bất cứ dự án nào về giáo dục nếu có giá trị trên 100 triệu đồng phải qua đấu thầu. Mặt khác, nội dung SGK là tài sản của Bộ GD-ĐT, trong trường hợp này đã được biến thành tài sản riêng của doanh nghiệp và được bán với giá không hợp lý khi trên thị trường có những loại máy tính bảng có giá bán lẻ chỉ khoảng 1,6 triệu đồng, ngay cả thương hiệu lớn như Kindle của Amazon cũng chỉ có giá khoảng 200 USD.

Nhà nước số hóa, đặt hàng máy riêng cho giáo dục

"Nội dung SGK là tài sản của Bộ GD-ĐT, trong trường hợp này đã được biến thành tài sản riêng của doanh nghiệp và được bán với giá không hợp lý"

TS Lê Thống Nhất(Công ty VTC Online)

Theo ông Đồng Phước Vinh - giám đốc Công ty sách điện tử Trẻ thuộc NXB Trẻ, Bộ GD-ĐT đầu tư nghiên cứu xây dựng nội dung SGK bằng ngân sách nhà nước, tức là tài sản của nhân dân. Do vậy NXB Giáo Dục có thể in và bán sách giấy. Còn với sách điện tử, do chi phí làm sách khá thấp nên chăng sau khi trừ đi chi phí viết phần mềm, phí tác quyền, phí duy trì thì bán với giá hợp lý để mọi người đều có thể tiếp cận, sử dụng trên tất cả loại máy tính bảng đã có sẵn.

Ông Vinh băn khoăn giá Classbook cao so với mặt bằng giá máy tính bảng hiện nay, đồng thời nếu sau này trong quá trình sử dụng có những hư hỏng phần cứng như hư màn hình, hư pin thì phải làm thế nào? Bảo hành ở đâu, chi phí bao nhiêu, chi phí sửa chữa có mắc so với chi phí mua máy? Tuổi thọ một sản phẩm công nghệ thông tin thông thường chỉ 3-4 năm, như vậy trong 12 năm học, học sinh sẽ phải thay 3-4 lần máy? Mỗi lần thay máy thì chi phí bản quyền sách đã mua được tính thế nào? Ngoài ra, máy Classbook của NXB Giáo Dục được đặt sản xuất từ Trung Quốc với chất lượng thế nào không rõ.

Theo ông Vinh, tại sao lại không xây dựng dự án máy tính bảng cho giáo dục và đặt hàng những hãng lớn, uy tín và có nhà máy tại VN để họ sản xuất những dòng máy riêng cho giáo dục với chất lượng cao, giá thành rẻ?

Nếu vì mục tiêu chung là tạo ra một sản phẩm cho giáo dục VN thì Bộ GD-ĐT nên cung cấp nội dung SGK và cho doanh nghiệp đấu thầu số hóa sách và cung cấp máy tính bảng giá rẻ. Đó là đề nghị của TS Lê Thống Nhất. Việc số hóa SGK không khó, bất cứ doanh nghiệp công nghệ thông tin nào cũng có thể làm được, nhưng bắt tay được với NXB Giáo Dục để số hóa lại không dễ. Nên chăng Bộ GD-ĐT hãy dùng ngân sách nhà nước để số hóa SGK vì kinh phí cho số hóa sách rất thấp, sau đó cung cấp miễn phí cho người dân.

Nếu có cơ chế này, thị trường sẽ có những cuộc cạnh tranh lành mạnh về máy tính bảng, doanh nghiệp có thể nhập máy từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... và mức giá có thể sẽ xuống còn khoảng 1 triệu đồng/máy. Người tiêu dùng sẽ có những lựa chọn hợp lý và khôn ngoan để có thiết bị phù hợp.

Ông Phạm Thúc Trương Lương (giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục, NXB Giáo Dục, đơn vị làm Classbook):

Sẵn sàng hợp tác, nhưng...

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy tính bảng, từ những loại có giá khoảng 2 triệu đồng đến các máy thương hiệu lớn có giá cao hơn. Để so sánh giá, cần tìm những sản phẩm cấu hình tương đương với Classbook để so sánh tường tận, công bằng. Giá cao hay thấp, có chấp nhận được hay không là do người tiêu dùng tự quyết định.

Ngoài ra, sản phẩm Classbook sẽ rất khó phân tách riêng phần cứng thiết bị và phần mềm nội dung vì sản phẩm đã được tác động từ lõi là hệ điều hành cho đến các nội dung khác của máy. Trong quá trình sử dụng, mỗi khi tái bản SGK, người dùng có thể tải về miễn phí, nếu có hỏng hóc cơ bản sẽ được bảo hành miễn phí trong một năm. Bên cạnh đó, nhà cung cấp cũng sẵn sàng các linh kiện để thay thế khi bất cứ linh kiện nào hư.

Classbook không phải là thiết bị bắt buộc và thay thế SGK giấy cũng như không phải là sản phẩm độc quyền. Với SGK điện tử, rào cản không phải là chính sách, chủ trương mà là kỹ thuật. Bất cứ doanh nghiệp nào có khả năng số hóa SGK và đưa ra những sản phẩm khác đều có thể hợp tác với NXB Giáo Dục để làm, nhưng phải đáp ứng những tiêu chí như chứng minh được công nghệ áp dụng an toàn, bảo mật cao, SGK sẽ không bị thay đổi, sửa chữa nội dung, bảo đảm sách sẽ không bị sao chép cho người khác.

________________

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa:

SGK điện tử sẽ được phát hành thế nào trong nhà trường? Bộ GD-ĐT đánh giá ra sao về sự xuất hiện của sản phẩm này bên cạnh SGK truyền thống được in bằng giấy? Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ:

- Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của NXB Giáo Dục VN trong việc cho ra mắt SGK điện tử đầu tiên tại VN. Sự xuất hiện của SGK điện tử với rất nhiều tính năng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, phù hợp với xu thế của thời đại. Trên nền tảng nội dung SGK truyền thống, SGK điện tử Classbook cho phép gắn thêm những nội dung đa phương tiện, bổ sung các chức năng tương tác, tiện ích cho người dùng tùy theo môn học - gọi chung là các tính năng mở rộng.

Tuy nhiên, các tính năng mở rộng này mới chỉ áp dụng cho một số môn học. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu và sản xuất SGK điện tử có khả năng tương tác tốt hơn. Đặc biệt, điều cần quan tâm là phải nghiên cứu để giá cả của SGK điện tử phù hợp với điều kiện các nhà trường và gia đình học sinh các vùng miền đất nước.

hvU7OLRR.jpgPhóng to
Ảnh: H.B.
* Liệu có thể đưa SGK điện tử vào trường học thông qua con đường trang bị thiết bị giáo dục lâu nay? NXB Giáo Dục cho rằng nếu ngành giáo dục dành một phần kinh phí trong nhiều ngàn tỉ đồng mỗi năm cho mua sắm thiết bị giáo dục để mua sách điện tử trang bị cho giáo viên sẽ tăng hiệu quả giáo dục. Phương án phát hành theo cách này có khả thi không, thưa bà?

- Xét trên góc độ trang thiết bị dạy học, SGK điện tử cũng là một dạng của thiết bị dạy học, với mục đích hỗ trợ việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, các địa phương có thể lựa chọn để trang bị cho các trường nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, hoặc trang bị cho thư viện để giáo viên, học sinh đọc và tra cứu. Tuy nhiên, việc trang bị SGK điện tử cho giáo viên, học sinh có tăng hiệu quả giáo dục hay không cần phải có thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá.

Việc sử dụng ngân sách để mua sắm trang thiết bị giáo dục hiện nay do các địa phương, cơ sở chủ động quyết định trên cơ sở các quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả sử dụng. Ở những nơi tổ chức thử nghiệm, các đơn vị tham gia thử nghiệm có thể căn cứ vào nhu cầu và điều kiện để sử dụng hợp lý các nguồn kinh phí hợp pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép để trang bị.

SGK điện tử là một thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ giáo dục, có nhiều tiện ích đối với giáo viên và học sinh, góp phần tích cực vào đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập hiện nay, nên nếu đưa vào nhà trường cũng là phù hợp với chủ trương trên của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên triển khai thử nghiệm ở những nơi có điều kiện, đặc biệt tuyệt đối không được bắt ép học sinh, giáo viên mua sử dụng khi bản thân họ chưa có nhu cầu hoặc chưa có đủ điều kiện trang bị.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên