Những ngày qua, những tấm bạt nhựa dựng lên dày đặc ở dọc cao tốc La Sơn - Túy Loan (TP Đà Nẵng) về đến tận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Canh gác 24/24h
Túc trực ở xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng), ông Nguyễn Thanh Yên - chốt trưởng - cho biết gần như không một ngày nào không có người lảng vảng từ các hướng để tìm cách xâm nhập vào rừng lượm ươi.
Tại hầm đường bộ Mũi Trâu trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, một kiểm lâm viên luôn đứng ở lối vào hầm 24/24h để quan sát, ghi hình toàn bộ người ra vào. Trên dọc cao tốc này cũng có nhiều chốt ươi đóng ven đường.
Ông Nguyễn Ngọc - phụ trách chốt Cầu Dài, giáp ranh Vườn quốc gia Bạch Mã - cho biết chốt này bố trí 6 người trực cùng 15 hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc. Người dân ở các làng luân phiên thay nhau cùng cán bộ tuần tra rừng, ngoài việc túc trực tại lán thì mỗi ngày các cán bộ cùng bà con sẽ đùm cơm gạo vào rừng tuần tra.
Ông Nguyễn Thành Tân, phó giám đốc ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho biết đơn vị này đã bố trí 9 chốt cùng một tổ tuần tra cơ động bao quanh rừng. Lực lượng này cùng với 280 hộ dân suốt 2 tháng nay đã giữ rừng ươi trong trạng thái "nội bất xuất, ngoại bất ngập".
Giám đốc ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, ông Quách Hữu Sơn, cho biết ươi 4 năm mới ra quả một lần nhưng mùa ươi 4 năm trước gần như không có trái. Biết ươi trúng mùa, dân ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ xô tìm cách vào rừng.
Đỉnh điểm nhất là ngày 19 đến 22-6, có hàng chục tốp người được đầu nậu tổ chức đã đi ô tô, xe máy tìm cách vượt chốt vào hái ươi buộc kiểm lâm phải gọi công an tới hỗ trợ, đẩy đuổi.
Lán ươi đóng dày đặc bao quanh rừng
Đi trên các tuyến đường từ Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế) qua rừng Bà Nà - Núi Chúa ngược lên quốc lộ 14 qua địa phận Vườn quốc gia Sông Thanh (Nam Giang và huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cho tới huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đâu cũng thấy cảnh từng lán trại tạm bợ đóng ngay các lối ra vào rừng.
Trong khi ở Đà Nẵng rừng ươi được cấm tuyệt đối thì ở Vườn quốc gia Sông Thanh và Phước Sơn, Nam Trà My (Quảng Nam) người dân lại ồ ạt vào rừng. Gần 2 tháng nay các cánh rừng già náo động. Thay vì chỉ lượm quả rơi rụng thì nhiều người lại đem cưa máy đốn cả cây, dùng đinh lớn đóng vào gốc để cho cây chết, rụng quả.
Ông Đinh Văn Hồng - giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh - cho biết vườn này phải lập tới 21 chốt bao quanh, kiểm lâm cùng dân quân, bà con địa phương kiểm soát tất cả người ra vào rừng ươi.
"Lượng người đi hái ươi quá nhiều nên chúng tôi phải ghi nhật ký từng người ra vào, bà con khi vào rừng chỉ được đi tay không, dao rựa, máy khoan, đinh vít, cư lốc… đều phải bỏ lại tại lán" - ông Hồng nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Mẫn - phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cũng cho biết huyện này đã lập khẩn cấp 13 tổ chốt chặn gồm kiểm lâm, công an, dân quân cùng bà con được giao khoán rừng để chốt các lối ra vào ngăn người lạ vào tàn phá ươi.
Ông Nguyễn Thanh Yên, cán bộ BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, tranh thủ chợp mắt, tránh nắng nóng dưới cống thoát nước tại chốt ươi - Ảnh: B.D
Khẩn cấp bảo vệ cây ươi
Trước tình trạng người dân ồ ạt vào rừng hái ươi, ngày 23-6 UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các lực lượng cùng chính quyền triển khai quân số bảo vệ nghiêm ngặt các cánh rừng.
Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh Đinh Văn Hồng cho biết đã khởi tố và chuyển hồ sơ qua công an tiếp tục xử lý một trường hợp dùng cưa lốc đốn cây ươi để lấy quả xảy ra tại huyện Phước Sơn. Tại nhiều khu vực rừng, nhiều cây ươi bị cưa trơ trụi cành để hái quả, chỉ còn thân gỗ cụt ngủn.
"Lộc rừng" thành ẩn họa
Cây ươi hay còn gọi là cây đười ươi, cây thạch, ươi bay… mọc dày đặc ở các cánh rừng miền Trung Việt Nam và ở Lào. Đây là loài thân gỗ lớn, cao bình quân 20-30 mét. Ươi rất dễ nhận dạng bởi mùa chín rộ toàn bộ tán cây đều chuyển màu trắng đỏ nổi bật giữa rừng già.
Quả ươi khi chín rộ thì lớp vỏ mỏng bên ngoài xòe ra như hai cánh dơi theo gió bay ngược lơ lửng giữa không trung rơi xuống đất. Quả ươi được sử dụng trong y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt và cũng có thể dùng để trị chứng rối loại tiêu hóa hoặc làm mát cổ họng. Hiện tại hạt ươi đang được bán từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, một ngày vào rừng người dân có thể kiếm được từ 2-5kg hạt.
Trước sự suy giảm về giống loài, tại Đà Nẵng, ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đang thực nghiệm vườn ươm, đem giống từ tự nhiên về ươm thành cây con để trồng phục hồi tại các khu vực đất trống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận