09/06/2024 09:19 GMT+7

Rotterdam chia sẻ kinh nghiệm chống ngập cho TP.HCM

Rotterdam có 10 quảng trường nước, có thể chứa tổng cộng 1,6 tỉ lít nước mưa. Lượng nước mưa này được giữ trong 24 giờ, giúp giảm tải cho hệ thống thoát nước của thành phố mỗi khi mưa lớn.

Đoàn làm việc của thành phố Rotterdam tại UBND TP.HCM ngày 7-6 - Ảnh: HỮU HẠNH

Đoàn làm việc của thành phố Rotterdam tại UBND TP.HCM ngày 7-6 - Ảnh: HỮU HẠNH

UBND TP.HCM vừa có buổi làm việc với đoàn công tác của thành phố Rotterdam (Hà Lan) nhằm triển khai các nội dung trong biên bản ghi nhớ giữa hai địa phương được ký vào tháng 7-2023 về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nước và phát triển cảng.

Hà Lan và thành phố Rotterdam nói riêng là đối tác hàng đầu của TP.HCM trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này có một phần lý do từ những điểm tương đồng giữa hai thành phố. Cả hai đều là những thành phố cảng với địa hình đồng bằng sông ngòi, dễ bị ngập và chịu ảnh hưởng thiên tai.

Các kịch bản ứng phó của TP.HCM

Phát biểu trong buổi làm việc với đoàn công tác do Phó thị trưởng Rotterdam Vincent Karremans dẫn đầu vào sáng 7-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố hiểu rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới mà còn tác động đến tương lai của các thế hệ sau.

Ông Cường cho biết TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh đó là ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Vũ Thùy Linh - chuyên viên Phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - chia sẻ về các kịch bản biến đổi khí hậu tại TP.HCM. Kịch bản nhiệt độ RCP 4.5 cho thấy vào năm 2025 ước tính nhiệt độ của thành phố tăng từ 0,53 - 0,59oC, năm 2030 tăng 0,80 - 0,81oC và năm 2050 là 1,23 - 1,33oC.

Kịch bản lượng mưa RCP 4.5 dự báo vào năm 2025 lượng mưa của TP.HCM tăng 8 - 13%, tới năm 2030 tăng 12 - 21% và năm 2050 sẽ là 13 - 15%. Kịch bản nước biển dâng cũng dự báo tới năm 2030 mực nước biển tại TP.HCM sẽ tăng 12cm.

Theo bà Linh, TP.HCM cũng đã đề ra những giải pháp công trình và phi công trình nhằm ứng phó với các kịch bản biến đổi khí hậu. Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được lồng ghép vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ Đức và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết.

Phản hồi phía Hà Lan về giải pháp giảm nhiệt đô thị, bà Linh cho biết TP.HCM hiện có các chương trình tăng cường trồng cây xanh trên vỉa hè, tăng cường khả năng thấm hút của bề mặt qua việc trồng thêm cây xanh tại các bến xe, vòng xoay, công viên, dạ cầu...

Rotterdam hiến kế

Ông Johan Verlinde, quản lý chương trình thích ứng khí hậu của Rotterdam, chia sẻ lượng mưa lớn là một thách thức của thành phố Rotterdam. Thành phố này cần 1.100 trạm bơm để tránh tình trạng ngập lụt.

Bên cạnh đó, Rotterdam cũng có sáng kiến xây dựng các quảng trường nước. Những quảng trường này có nhiều hồ cạn là nơi hứng nước và trữ nước khi mưa đến. Lúc thời tiết khô ráo, người dân có thể tận dụng các hồ cạn này để chơi lướt ván hay chơi những môn thể thao khác.

Ông Verlinde cho biết Rotterdam có 10 quảng trường nước, có thể chứa tổng cộng 1,6 tỉ lít nước mưa. Lượng nước mưa này được giữ trong 24 giờ, giúp giảm tải cho hệ thống thoát nước của thành phố mỗi khi mưa lớn.

Tuy nhiên ông Verlinde cũng lưu ý nhiệt độ cao và hạn hán đang ngày càng trở thành vấn đề lớn ở Hà Lan, do đó nước mưa đã trở thành "tài sản quý giá". Thành phố này đã trữ nước mưa tại ngoại thành để tới mùa khô, lượng nước này sẽ được bơm lên để tưới cỏ cho sân bóng.

Ngoài ra, công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Rotterdam cũng cần có sự cộng tác rất lớn từ khối tư nhân. Ông Verlinde cho biết thành phố có các quy tắc và quy định nghiêm ngặt về yêu cầu trữ nước trong công trình xây dựng. 

Thành phố khuyến khích các kiến trúc sư sáng tạo trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề này thay vì đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc xây dựng các tòa nhà trữ được nước mưa.

Trả lời báo chí sau cuộc họp với TP.HCM, nhận định về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó thị trưởng thành phố Rotterdam Karremans nhấn mạnh cả hai thành phố đều cần sự hợp tác giữa các khu vực công, tư nhân và người dân.

Ông Karremans cho biết ông nhận thấy sự hợp tác công - tư ở thành phố Thủ Đức đang tiến triển khá tốt và nhắc đến khu đô thị Sala. Thủ Đức cũng là khu vực mà Rotterdam rất muốn tham gia hợp tác. 

"Chúng tôi rất muốn tham gia đóng góp. Chúng tôi muốn chia sẻ kiến thức của mình và thực sự muốn giúp (thành phố Thủ Đức) trở thành một đô thị thu hút với khả năng chống chịu tốt (với biến đổi khí hậu - PV). Thủ Đức cũng là một ví dụ tốt cho chúng tôi, với dự án có quy mô và đầu tư lớn", ông Karremans nói.

Rotterdam chăm sóc cây xanh đô thị ra sao?

Ông Joop Polfliet, giám đốc phụ trách lĩnh vực công trình công cộng của Rotterdam, cho biết thành phố cố gắng tái tạo đất theo cách phù hợp với cây trồng, vì cây sẽ phát triển tốt nhất trong môi trường tự nhiên của nó.

Theo ông, Rotterdam cũng đã gặp tình trạng cây vẫn phát triển bình thường nhưng sau đó ngã đổ vì các hạ tầng trên mặt đất không phù hợp với nó. Để giải quyết, thành phố đã đầu tư vào chất lượng đất ở khu vực trồng cây.

Ngoài ra, các chuyên gia về cây cũng sẽ kiểm tra cây trồng hằng năm, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ cao như các con đường đông đúc xe cộ hay những cây cổ thụ lâu năm.

Lãnh đạo Rotterdam và TP.HCM cùng đạp xe lan tỏa thông điệp sống xanhLãnh đạo Rotterdam và TP.HCM cùng đạp xe lan tỏa thông điệp sống xanh

Phó thị trưởng Rotterdam cùng phó chủ tịch UBND TP.HCM đạp xe quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ để lan tỏa thông điệp sống xanh, giảm khí thải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên