Làm nghề đánh bắt ruốc khoảng 20 năm, ông Trần Văn Quân - người dân ở xã Cửa Cạn (TP Phú Quốc, Kiên Giang) - cho biết từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, Bãi Trường, Bãi Dài… và nhiều khu vực bãi biển khác ở TP Phú Quốc ruốc về nhiều.
Thời điểm này, ông và người dân sinh sống bằng nghề câu lưới ở địa phương lại được mùa "ăn nên làm ra".
Ruốc về, cuộn tròn đỏ au dưới mặt biển. Cá biển cũng tranh nhau săn ruốc chạy sáng cả mặt nước. Người dân cứ thế dùng lưới, mùng… bao vây bắt ruốc trên biển.
"Gia đình tôi chạy tàu dọc theo bờ biển rồi nhìn xem khu vực nào mặt nước đỏ lên là có con ruốc. Lúc này mới bỏ lưới bao lại rồi kéo lên. Trúng mánh có khi dính cả tấn ruốc tươi...", ông Quân nói.
Theo ông Quân, trước đây ruốc ở vùng biển Phú Quốc "nhiều vô số kể". Năm nay ruốc vẫn có nhưng sản lượng ít đi nhiều, giảm hơn 50% so với trước nên ông lênh đênh trên biển chạy tàu dọc theo Bãi Trường (đoạn từ Dương Đông về An Thới) săn ruốc.
Siêng năng cũng kiếm được 300 - 600kg ruốc/ngày. Ruốc tươi ông bán giá 5.000 đồng/kg; ruốc phơi khô bán 80.000 đồng/kg, góp phần ổn định cuộc sống.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, khách du lịch thường mua ruốc khô về ăn và biếu, tặng người thân, bạn bè. Các hàng quán thì chế biến thành nhiều món ăn như ruốc chiên bột ăn kèm với rau sống, ruốc kho khô tóp mỡ, canh ruốc và làm mắm ruốc.
Đắt hàng nên đến mùa ruốc về ông Quân và hàng chục ngư dân khác ở Phú Quốc vẫn chạy tàu, bao lưới bắt ruốc làm nhộn nhịp cả ngư trường.
"Bắt ruốc ở Phú Quốc là theo mùa. Thời gian này, ngư dân đánh bắt ruốc cũng là một cách hay ổn định sinh kế, đảm bảo cuộc sống gia đình" - ông Lê Đình Quảng, chủ tịch Hội Nông dân TP Phú Quốc, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận