Nhiều "cò" tự tin khoe có mối quan hệ và có thể xử lý mọi loại hồ sơ, kể cả hồ sơ không đủ điều kiện, cho khách mua nhà và hét phí lên tới hàng chục triệu đồng. Không ít người dân đã bị lừa, tiền mất tật mang khi tin vào các "cò".
Hét phí 40 - 50 triệu đồng, lo tới Z…
Ghi nhận của chúng tôi tại khu vực dự án chung cư nhà ở xã hội Bàu Tràm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho thấy có khá nhiều "cò" hoạt động. Trong vai người cần mua nhà, chúng tôi tiếp cận một "cò" tên Cường để tìm hiểu cách môi giới nhà ở xã hội.
Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, Cường nhanh miệng bảo có thể xử lý được nhiều loại hồ sơ, kể cả hồ sơ dính thuế thu nhập, đóng bảo hiểm ngoại tỉnh, chưa đăng ký cư trú và bao đậu cho khách hàng.
Cường báo phí dịch vụ 3 triệu đồng, phí xử lý hồ sơ vượt thuế 20 triệu đồng. Khi nghe khách thông tin không có đăng ký cư trú tại địa phương, Cường nhăn mặt, kêu khó nhưng cho biết vẫn có cách xử lý. Sau khi rút điện thoại gọi cho một phụ nữ trao đổi, "cò" này chốt thêm 20 triệu đồng để "xử lý" cư trú.
Sau khi báo giá tổng dịch vụ 43 triệu đồng, Cường giục khách chốt nhanh, đóng tiền sớm để kịp làm hồ sơ vì dự án sắp mở bán, làm chậm không kịp.
"Anh yên tâm, bên em làm ăn uy tín, bao hồ sơ cho anh đậu đến lúc đi bốc căn. Bên em thu tiền có biên nhận hẳn hoi, nếu khách mua không đậu sẽ trả tiền lại!" - Cường quảng cáo.
Bên cạnh các "cò" hoạt động trực tiếp tại dự án, hoạt động tư vấn môi giới trên các trang mạng, hội nhóm cư dân các dự án cũng khá tấp nập.
Lần theo các trang này, chúng tôi liên hệ với một "cò" tên Hải và được báo giá 30 triệu đồng để làm hồ sơ. Trong đó, chi phí chủ yếu là làm dịch vụ nhập khẩu vào địa phương và xử lý các thủ tục giấy tờ.
Theo Hải, việc đăng ký nhập khẩu vào địa phương sẽ có nhiều thuận lợi, hồ sơ đơn giản, khả năng "dính" cao hơn người mua tạm trú. Đối với khách có nhu cầu vay gói ưu đãi lãi suất phải đóng thêm phí 20 triệu đồng. Hải cho biết phí vay cao do gói này đã giải ngân sắp hết, không còn nhiều suất (?).
"Chi phí hơi căng nhưng anh tính thử coi, về sau thì làm gì còn căn hộ nào giá ưu đãi như này đâu. Có thể sau này sẽ ra nhiều dự án khác nhưng chẳng bao giờ có giá này đâu. Gói vay cũng đang ít đi từng ngày, nếu đã làm được hộ khẩu thì hồ sơ chắc chắn 100% là đậu. Nếu xui rủi không đậu bên em sẽ hoàn tiền lại!" - Hải khẳng định chắc nịch và không quên giục khách chốt sớm.
"Xét duyệt rất kỹ, làm bậy đi tù như chơi!"
Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thiên Hương, một môi giới lâu năm trong nghề, cho hay cơ quan chức năng đang siết chặt việc thẩm duyệt hồ sơ, hầu như những hồ sơ không đáp ứng tiêu chuẩn đều sẽ bị loại.
"Trong trường hợp lọt qua cửa xét duyệt, người mua nhà vẫn có nguy cơ bị phát hiện xử lý trong quá trình hậu kiểm sau này. Do đó, người mua không nên nghe theo quảng cáo của các "cò" để tránh tiền mất tật mang", chị Hương khuyến cáo.
Tương tự, một môi giới khác là anh Hồ Văn Chức cũng khẳng định không có cách nào xử lý hồ sơ vướng thuế, bảo hiểm. "Cơ quan chức năng đang siết rất kỹ việc xét duyệt, làm bậy đi tù như chơi!" - anh Chức nói.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phùng Phú Phong, giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết thủ tục mua bán nhà ở xã hội được quy định rất chặt chẽ. Sau khi chủ đầu tư nhận hồ sơ và sơ loại, thẩm định danh sách gửi về, Sở Xây dựng sẽ phối hợp cùng các sở ngành kiểm tra để loại trừ các đối tượng không đủ điều kiện trước khi ký hợp đồng mua bán, kể cả các đối tượng đã có nhà đất, đã được thuê, mua nhà ở xã hội, phát sinh nộp thuế.
Theo ông Phong, quy định đã chặt chẽ hơn trước, khắc phục các bất cập và hạn chế được các trường hợp lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để trục lợi.
Để tránh bị lừa đảo, Sở Xây dựng khuyến cáo người dân tìm hiểu thông tin mở bán các dự án nhà ở xã hội theo thông báo công khai của sở và liên hệ trực tiếp chủ đầu tư dự án để được hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, không tìm hiểu cách mua qua các "cò" bên ngoài.
"Các hồ sơ mua nhà gian dối, không đúng đối tượng và điều kiện sẽ bị xóa tên khỏi danh sách xét duyệt. Nếu phát hiện hồ sơ giả mạo sở sẽ chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý. Đối với trường hợp mua trót lọt sẽ bị chủ đầu tư hủy hợp đồng, thu hồi nhà. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội tại một số dự án, nếu phát hiện có hành vi vi phạm sẽ xem xét xử lý ngay", ông Phong cho biết.
"Cò" lừa đảo hàng chục người mua nhà ở xã hội
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vừa khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Bình (trú huyện Hòa Vang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan điều tra, Bình khoe là cán bộ đang công tác tại Sở LĐ-TB&XH và có nhiều mối quan hệ, có thể sắp xếp mua nhà ở xã hội.
Tin tưởng Bình, từ năm 2019 đến 2023, nhiều người khó khăn tại Đà Nẵng đã liên hệ, đưa tiền cho Bình nhờ giúp làm thủ tục mua nhà ở xã hội tại một số dự án với giá từ 100 - 130 triệu đồng mỗi suất. Toàn bộ số tiền bị Bình chiếm đoạt và sử dụng cho mục đích cá nhân. Cơ quan công an đang mở rộng điều tra, tìm kiếm thêm các nạn nhân của đối tượng này.
Chuyển cơ quan điều tra các hồ sơ có dấu hiệu làm giả
Một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết đã có công văn gửi cơ quan điều tra đề nghị làm rõ các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo đó, trong quá trình xác minh thông tin người lao động đăng ký mua nhà ở xã hội theo đề nghị của Sở Xây dựng, cơ quan này phát hiện có sáu lao động không đóng bảo hiểm như khai báo trong hồ sơ mua nhà.
Ngoài ra, các giấy xác nhận đóng bảo hiểm trong hồ sơ không do cơ quan này cấp. Qua làm việc, các doanh nghiệp trong hồ sơ khai báo của 6 lao động khẳng định các lao động này không làm việc tại doanh nghiệp, con dấu và chữ ký trên giấy xác nhận đóng bảo hiểm cũng không phải của các doanh nghiệp này.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu vi phạm pháp luật, cơ quan bảo hiểm đã đề nghị công an vào cuộc điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận