Ảnh minh họa. Nguồn: web.lark.com
Ngủ là một phần tất yếu của cuộc sống. Giấc ngủ là một hoạt động quan trọng có hiệu quả để đảm bảo sự sống của cơ thể và phục hồi sức khoẻ sau một ngày thức để làm việc. Giấc ngủ còn góp phần giúp cơ thể bài tiết ra hoóc-môn tăng trưởng giúp cho trẻ em phát triển và lớn lên. Chúng ta không thể sống mà không ngủ. Nếu mất ngủ trong một thời gian dài thì cơ thể chúng ta sẽ rối loạn và có thể dẫn đến chết.
Giấc ngủ còn được xem như một tiêu chuẩn bắt buộc để đánh giá chất lượng của cuộc sống. Đối với người thầy thuốc, giấc ngủ của người bệnh được xem như là một tiêu chuẩn cần đạt được trong quá trình điều trị và tiên lượng bệnh.
Ngủ bao nhiêu là đủ?
Trung bình một người trưởng thành cần 7h - 8h để ngủ. Ở trẻ em cần ngủ nhiều hơn để cơ thể bài tiết hoóc-môn tăng trưởng. Trẻ mới đẻ cần 20h/ngày, càng lớn lên thời gian ngủ giảm dần, đến 6 tuổi trẻ cần 10h - 12h/ngày để ngủ. Người già giấc ngủ ít hơn nữa, khoảng 5h - 6h/ngày. Cả cuộc đời, con người dành 1/3 thời gian để ngủ, 2/3 thời gian thức.
Tại sao có người ngủ được, có người lại mất ngủ?
Nguyên nhân mất ngủ là gì? Để hiểu được nguyên nhân của mất ngủ, ta phải hiểu rõ cơ chế của giấc ngủ. Theo các nhà khoa học để đi vào giấc ngủ, cơ thể chúng ta có một cơ chế điều hòa hết sức tinh vi và chặt chẽ bao gồm sự kết hợp và tác động qua lại lẫn nhau của các yếu tố sau:
1. Yếu tố thần kinh trung ương: Với sự tham gia điều hòa và chỉ huy của hệ thống cấu tạo lưới ở thân não đặc biệt vùng dưới đồi và đồi thị.
2. Yếu tố thể dịch: Dưới sự phát động của hệ thần kinh trung ương các tuyến nội tiết và não bộ tiết ra các nội tiết tố, hoóc-môn, chất trung gian dẫn truyền thần kinh có tính chất gây ngủ phong tỏa ức chế toàn bộ vỏ não.
3. Yếu tố tâm lý, tâm thần: Trạng thái tinh thần thư thái yên tĩnh, nghỉ ngơi , không bị kích thích, nhiệt độ và ánh sáng thích hợp,…
Tóm lại, trong một khoảng thời gian nhất định (chu kỳ nhịp sinh học của mỗi người) trong một môi trường thuận lợi, trong trạng thái mỏi mệt, có nhu cầu và ham muốn nghỉ ngơi, tinh thần thư thái và yên tĩnh. Trung ương thần kinh phát động các tuyến nội tiết và não bộ tiết ra các chất hóa học ức chế toàn bộ các hoạt động của não bộ, đưa não bộ vào trong một trạng thái ức chế lan tỏa khắp 2 bán cầu và vùng dưới vỏ não, đưa cơ thể vào trạng thái không còn ý thức và giấc ngủ được xác lập.
Vậy nguyên nhân mất ngủ có thể tóm tắt như sau:
Yếu tố tâm lý:
- Lo âu, tức giận, sợ hãi, ghen tuông, hận thù, nghi kỵ, trầm uất,...
- Môi trường ô nhiễm, có nhiều tiếng động, nhiều ánh sáng.
- Có sự thay đổi môi trường, thay đổi thời tiết, thay đổi vị trí địa lý,…
Yếu tố thần kinh: Các bệnh lý tổn thương thực thể não và hệ thần kinh trung ương hoặc các bệnh cơ thể khác gây đau đớn, suy nhược, sốt,…
Các yếu tố thể dịch: Biến đổi nội tiết tố, hoóc-môn do tuổi già, chửa đẻ hoặc mất cân bằng sinh hóa não do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê, ma túy hoặc sử dụng các thuốc chữa bệnh có tác dụng kích thích thần kinh trung ương như vitamin nhóm B, hỗn hợp thần kinh, theophylin,…
Rối loạn giâc ngủ không thực tổn
Ở đây chúng tôi đề cập đến loại mất ngủ mà không có nguyên nhân thực thể nào được tìm thấy nhưng nguyên nhân tâm lý và cảm xúc là yếu tố nổi bật. Theo phân loại quốc tế bệnh tật lần thứ 10 (ICD –10) nhóm này bao gồm:
Rối loạn giấc ngủ: Biến đổi về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ do các nguyên nhân cảm xúc bao gồm mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.
Giấc ngủ thất thường: Có sự kiện bất thường xảy ra trong lúc ngủ như trẻ con quấy khóc, mê sảng, mê mộng hoặc người lớn trong khi ngủ có miên hành, hoảng sợ, ác mộng.
Điều trị rối loạn giấc ngủ
Nguyên tắc:
1. Trước hết phải tìm nguyên nhân của các rối loạn giấc ngủ. Từ đó tìm biện pháp giải quyết nguyên nhân.
2. Áp dụng vệ sinh tâm lý giấc ngủ:
- Tạo thói quen thức ngủ đúng giờ;
- Tránh dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương;
- Tránh các căng thẳng tâm lý;
- Chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý, hài hòa tránh quá mức;
- Trước khi đi ngủ dùng các phương pháp gây êm dịu cổ truyền như bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm,…
3. Áp dụng các liệu pháp tâm lý (có sự hỗ trợ của các nhà tâm lý, thầy thuốc) như là thư giãn, luyện tập, âm nhạc,…
4. Sử dụng các thuốc ngủ: Đây là biện pháp cuối cùng khi các phương pháp trên không có hiệu quả. Sử dụng thuốc ngủ phải có sự chỉ định của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ vì có thể có tác dụng phụ hoặc lệ thuộc (nghiện) đặc biệt là các thuốc hướng thần.
Hiện nay có nhiều thuốc được sử dụng để cải thiện giấc ngủ:
- Các thuốc có nguồn gốc thảo dược: Sen vông, rotundin, cao lạc tiên,…
- Các thuốc ngủ thuộc nhóm benzodiazepine: Seduxen, tranxen, rivotril, lexomil,…
- Các thuốc ngủ không thuộc nhóm benzodiazepine: Stilnox, gardenal,…
- Các thuốc chống trầm cảm có tác dụng gây ngủ: Amitriptylin, sertraline, fluvoxamine, remeron,…
- Các thuốc an thần kinh: Aminazin, theralene, tisercin, olanzapin,…
Để điều trị rối loạn giấc ngủ một cách tốt nhất, thầy thuốc phải chọn được 1 loại thuốc ngủ thích hợp với tình trạng của từng người bệnh.
Thuốc ngủ lý tưởng cải thiện giấc ngủ phải đạt được các tiêu chuẩn sau:
- Khởi đầu tốt và duy trì tốt giác ngủ;
- Hiệu lực dài hạn mà không bị nhờn thuốc;
- Phạm vi điều trị rộng và không gây ngộ độc quá liều;
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngày hôm sau phải khoẻ khoắn và không mất tập trung;
- Thiết lập và duy trì giấc ngủ như bình thường;
- Không gây khó chịu và tác dụng phụ khác;
- Không gây tương tác với các thuốc và chất khác;
- Không gây tình trạng lệ thuộc thuốc (nghiện), có thể bỏ và cắt giảm được.
Phương pháp tiếp cận mới trong điều trị mất ngủ
Uống thuốc khi cần: Một số người bị mất ngủ cần phải uống thuốc ngủ đều đặn mới duy trì được giấc ngủ, nhưng đa số người mất ngủ đến khám bác sĩ không phải tối nào cũng mất ngủ. Do đó trong nhiều trường hợp nên dùng thuốc gián đoạn và chỉ uống thuốc khi người bệnh thấy cần thiết.
Nguyên tắc này cho phép điều chỉnh việc điều trị phù hợp với từng người bệnh và ngăn ngừa tình trạng dùng thuốc ngủ liên tục hay dài hạn không cần thiết có thể dẫn đến nghiện, lệ thuộc đặc biệt các thuốc ngủ dòng hướng thần benzodiazepine (seduxen, rivotril,…)
Trong mọi trường hợp điều trị mất ngủ kết hợp với cố gắng của bản thân, các biện pháp y học dân tộc cổ truyền khác (tập yoga, tập thiền) để giảm tối đa việc dùng thuốc - là lời khuyên của thầy thuốc dành cho những người bị mất ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận