11/07/2018 17:13 GMT+7

Bệnh rối loạn giấc ngủ tiên phát

Nguồn: Bệnh viện Quân y 103
Nguồn: Bệnh viện Quân y 103

Một người được coi là mất ngủ nếu họ ngủ ít hơn bình thường từ 2 giờ trở lên. Mất ngủ bao gồm mất ngủ đầu giấc, giữa giấc, cuối giấc.

Bệnh rối loạn giấc ngủ tiên phát - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: medisite.fr

Một người được coi là mất ngủ nếu họ ngủ ít hơn bình thường từ 2 giờ trở lên. Ví dụ một nam thanh niên 25 tuổi, trước đây mỗi ngày ngủ 8 giờ. Nếu bây  giờ anh ta chỉ ngủ được 5 giờ mỗi ngày thì coi như là mất ngủ.

Mất ngủ bao gồm mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), mất ngủ giữa giấc (đang ngủ thì tỉnh giấc và phải mất một thời gian dài mới ngủ lại được), mất ngủ cuối giấc (thức giấc sớm lúc 2-3 giờ sáng và không ngủ lại được). Khi tất cả các dạng mất ngủ này nặng lên, bệnh nhân sẽ mất ngủ hoàn toàn.

Mất ngủ mạn tính là mất ngủ liên tục, kéo dài trên 1 tháng mà không có nguyên nhân nào rõ ràng (không phải do trầm cảm, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy…).

Thực tế cho thấy, bệnh mất ngủ mạn tính thường kéo dài nhiều năm (hàng chục năm), nhiều bệnh nhân bệnh kéo dài suốt đời.

Nguyên nhân

Giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin ở khe xinap (xinap là nơi tiếp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào thần kinh hoặc với các tế bào khác, khe xinap là 1 khe nhỏ nằm giữa màng trước và màng sau xinap) của một số vùng não được coi là nguyên nhân của bệnh mất ngủ mạn tính. Nồng độ chất serotonin bằng khoảng 70% người bình thường. Như vậy, giảm nồng độ serotonin ở não không trầm trọng như bệnh trầm cảm.

Nguyên nhân của giảm nồng độ serotonin là do rối loạn về gien di truyền dẫn đến việc điều tiết sản xuất chất serotonin bị rối loạn.

Triệu chứng

- Mất ngủ: Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (với người trẻ), cuối giấc (người cao tuổi) hoặc giữa giấc (người trung niên). Hiếm khi bệnh nhân có mất ngủ hoàn toàn. Giấc ngủ thường được bệnh nhân mô tả là không sâu, ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc, đầy mộng mị. Vì vậy, khi bệnh nhân tỉnh giấc, họ luôn cảm thấy khó chịu và thèm được ngủ.

- Hưng phấn nhẹ vào buổi chiều tối: Bệnh nhân cảm thấy phấn khích nhẹ vào buổi chiều tối. Đây cũng là một trong những lý do khiến bệnh nhân khó ngủ hơn. Điều kỳ lạ là khi đọc báo, xem tivi… họ có thể ngủ gật, nhưng khi đi vào giường để ngủ thì họ lại thấy tỉnh táo hoàn toàn và không sao vào giấc ngủ được nữa.

- Bệnh nhân vẫn ăn được, chỉ cảm thấy mệt mỏi nhẹ vào buổi sáng. Trí nhớ và chú ý của họ vẫn tốt, họ vẫn đảm nhiệm được mọi công việc bình thường.

- Điện não đồ của các bệnh nhân này cho thấy sóng alpha mất dạng thoi, giảm cả về chỉ số và biên độ. Cá biệt có bệnh nhân mất hoàn toàn sóng alpha. Ngược lại, sóng beta chiếm ưu thế trên tất cả các đạo trình của điện não đồ. Đôi khi chúng ta nhận thấy có một vài sóng chậm theta biên độ thấp, đỉnh tù ở vùng chẩm, đỉnh, thái dương hai bên. Vì thế, bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với thiểu năng tuần hoàn não.

- Bệnh nhân không có tiền sử nghiện rượu, ma túy, chấn thương sọ não…

Điều trị

- Điều trị mất ngủ mạn tính bằng thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc đa vòng liều thấp, kết hợp với thuốc an thần mới liều thấp. Bệnh nhân cần được điều trị liên tục tối thiểu 18 tháng dưới sự kê đơn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Các khó khăn khi điều trị mất ngủ mạn tính:

+ Bệnh nhân đã bị bệnh nhiều năm trước khi đến khám bác sĩ tâm thần, bệnh đã quá lâu, khó chữa.

+ Bệnh nhân đã tự điều trị bằng các thuốc ngủ và bình thần như gacdenal, stilox, seduxen…

Nguồn: Bệnh viện Quân y 103
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên