15/02/2019 10:37 GMT+7

Robot Opportunity và di sản trên sao Hỏa

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Sau 15 năm, robot thăm dò Opportunity đã để lại những di sản giá trị như phát hiện ra sao Hỏa là một hành tinh ẩm ướt và có nhiều nước.

Robot Opportunity và di sản trên sao Hỏa - Ảnh 1.

Sứ mệnh lịch sử của Opportunity trên hành tinh đỏ cuối cùng đã kết thúc - Ảnh: NASA

Opportunity, còn được gọi là MER-B (Mars Exploration Rover - B), là một robot tự hành hoạt động trên sao Hỏa từ năm 2004 trong nhiệm vụ khám phá sao Hỏa của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Sứ mệnh của robot vừa khép lại ngày 13-2 vừa qua.

Thiết lập nhiều kỷ lục đầu tiên

Nhiệm vụ Mars Exploration Rover của NASA đưa 2 robot thăm dò sinh đôi chạy bằng năng lượng mặt trời và có hình dáng giống xe chở người đánh golf là Spirit và Opportunity lên sao Hỏa.

Opportunity đã hạ cánh xuống vùng Meridiani Planum của sao Hỏa ngày 25-1-2004 ba tuần sau khi Spirit (MER-A) hạ cánh xuống miệng núi lửa Gusev phía bên kia của hành tinh đỏ ngày 4-1-2004. Cả hai robot đều thuộc sự quản lý của Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA tại Pasadena, California.

Với thời gian hoạt động dự tính là 90 ngày Mặt trời, Spirit đã hoạt động cho đến khi bị mắc kẹt vào năm 2009 và ngừng liên lạc trong năm 2010 trong khi Opportunity vẫn hoạt động cho đến ngày 16-6-2018, tức vượt kế hoạch 14 năm, 51 ngày (theo thời gian Trái đất).

Opportunity đã tiếp tục di chuyển, đưa ra các quan sát khoa học và báo cáo lại Trái đất với thời gian dài hơn 55 lần tuổi thọ thiết kế của dòng robot này.

Tính đến ngày 23-1-2018, robot tự hành này đã di chuyển được 45,16km và đạt kỷ lục về đoạn đường lái xe dài nhất trên một hành tinh khác năm 2014 trong số các robot thăm dò đang làm việc trên sao Hỏa và Mặt trăng.

Nhiệm vụ nổi bật của Opportunity bao gồm: khám phá sao Hỏa ban đầu trong 90 ngày Mặt trời, tìm thiên thạch ngoài sao Hỏa như Heat Shield Rock và hơn hai năm nghiên cứu miệng núi lửa Victoria.

Robot tự hành này cũng đã sống sót sau một trận bão bụi và năm 2011 đến được miệng núi lửa Endeavour - nơi mà NASA mô tả như "điểm hạ cánh thứ hai" trong nhiệm vụ khám phá sao Hỏa.

Khám phá quan trọng nhất trong số nhiều khám phá khoa học của Spirit và Opportunity là việc sao Hỏa có vẻ ẩm ướt và ấm áp hơn trong quá khứ. Những điều kiện này có thể đóng vai trò là cái nôi cho sự sống trên sao Hỏa vào thời điểm sự sống đầu tiên xuất hiện trên Trái đất.

Opportunity đã đóng góp nhiều phát hiện quan trọng để các nhà khoa học tại NASA đi đến kết luận trên. Opportunity là robot đầu tiên xác nhận và phân tích đá trầm tích trên một hành tinh khác ngoài Trái đất. Các phép đo của Opportunity cho thấy những tảng đá này hình thành trong các lớp phù du cổ đại.

Opportunity cũng phát hiện các vật thể hình cầu nhỏ mà các nhà khoa học ví như "trái việt quất" hình thành muộn từ nước ngầm dâng cao có tính axit.

Opportunity đã thực hiện chuyến đi dài nhất từng được tiến hành bởi một robot tự hành: hành trình 20,9km kéo dài 3 năm từ bãi đáp đầu tiên của nó đến miệng núi lửa Endeavour. Khi đến Endeavour, robot thăm dò này cũng phát hiện ra dấu hiệu dòng nước chảy qua vết nứt dưới lòng đất.

Gặp nhiều thách thức

Trong hơn 14 năm tồn tại và làm nhiệm vụ, Opportunity đã gặp không ít thách thức đòi hỏi đến sự tháo vát của các kỹ sư ở Trái đất.

Ví dụ bánh trước của robot thăm dò này đôi khi thu được nhiều dòng điện hơn các bánh xe còn lại nên đội ngũ kỹ sư ở nhà thường lái robot về phía sau để kéo dài tuổi thọ của bánh trước.

Khi mắc kẹt trong miệng núi lửa Eagle do địa hình hiểm trở, các kỹ sư đã đưa ra các chiến lược lái xe sáng tạo để thoát khỏi đó và họ đã làm điều này lần nữa tại miệng núi lửa Endurance nơi có độ dốc đến 31 độ.

Tháng 4-2005, robot mắc kẹt trong cát và nhóm nghiên cứu đã cẩn thận điều khiển giúp Opportunity thoát khỏi bẫy cát sao Hỏa. Opportunity cũng gặp phải hai cơn bão bụi nghiêm trọng đe dọa nhiệm vụ khám phá sao Hỏa do bụi có thể ngăn ánh sáng mặt trời tiếp xúc với các tấm pin năng lượng mặt trời.

Robot thăm dò này đã may mắn sống sót sau cơn bão bụi năm 2007 bằng cách giảm thiểu các hoạt động và duy trì đủ năng lượng để phục hồi khi trời quang trở lại.

Thật không may, cơn bão bụi tháng 6-2018 đã che chắn quá nhiều ánh sáng mặt trời và khiến cho bầu trời bên trên Opportunity tối đen trong khoảng một tháng.

Sau khi gửi hơn 835 lệnh khôi phục đến Opportunity bao gồm cả chương trình cuối cùng để khởi động lại hoàn toàn Opportunity, hi vọng bắt đầu giảm dần trong đội ngũ NASA. Cuối cùng NASA phải chấp nhận sự thật rằng nhiệm vụ của Opportunity đã kết thúc.

Trong thời gian hoạt động, Spirit và Opportunity đã gửi về hơn 342.000 hình ảnh thô về bề mặt hành tinh đỏ. Hai robot thăm dò này đã cùng tạo ra 31 bức ảnh màu toàn cảnh 360 độ tuyệt đẹp về sao Hỏa.

Vai trò quan trọng của robot thám hiểm

Thành công của các robot thám hiểm sao Hỏa đã thúc đẩy sự phát triển của chương trình sao Hỏa của NASA. Spirit và Opportunity chứng minh rằng các robot tự hành có thể giúp con người hiểu biết nhiều hơn về hành tinh đỏ. Nối bước Opportunity có robot thăm dò Curiosity và các dự án robot thăm dò Mars 2020 được xây dựng dựa trên những bài học rút ra từ Opportunity và Spirit.

Bất ngờ hình ảnh 360 độ mới nhất về sao Hỏa Bất ngờ hình ảnh 360 độ mới nhất về sao Hỏa

TTO - Tàu thăm dò Curiosity vừa gửi về hình ảnh mới nhất cung cấp những thông tin mới lạ về sao Hỏa.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên