24/07/2013 07:03 GMT+7

"Robinson" ở Mũi Điện

YẾN TRINH - CAO NGUYÊN
YẾN TRINH - CAO NGUYÊN

TT - Ngôi nhà nhỏ nép dưới chân núi dẫn lên hải đăng Mũi Điện (Phú Yên) là của ông Trần Minh Thái, 55 tuổi. Ông ở đó 15 năm nay với nhiệm vụ an ninh viên của Đội biên phòng 354 và cơm nước phục vụ khách du lịch.

Một bên là Bãi Môn hoang sơ dạt dào sóng biển, một bên là núi và con đường hun hút, cuộc sống của ông Thái ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này chỉ có hai chú chó làm bạn, hệt như một Robinson.

“Con trai út học đại học ở Sài Gòn, ba người con gái lớn đã lấy chồng ở riêng, vợ tôi ở nhà trên trung tâm thành phố thi thoảng mới ghé xuống. Ở đây nhiều lúc tôi cũng buồn vì nhớ gia đình” - ông cho biết.

15 năm gắn bó, ông yêu quý nơi này lắm, biến ngôi nhà nhỏ thành một biệt trang với mấy cây sơ ri mát rượi, vài luống rau, con gà, am nước và dòng suối câu cá trong veo.

Khách muốn lên tham quan Mũi Điện cách đó chừng gần 1 km kiếm hoài mới thấy ngôi nhà nhỏ của ông để vào gửi xe. Ông nói: “Bữa nào hào hứng tôi sẽ đi cùng khách lên ngọn hải đăng, vừa đi vừa kể cho khách về lịch sử ngọn hải đăng và những địa điểm khác có thể tham quan như núi Đá Bia, gành Đá Dĩa, bãi Xép. Khách có nhu cầu đặt cơm nước thì gọi trước, còn không nhà tôi chỉ có mì gói đập trứng gà thôi”.

Năm 1982, ông Thái rời quân ngũ, ngang qua đây thấy tàu thuyền neo đậu nhiều, cảnh trí lại tươi đẹp. Ông cùng vợ mở quán nho nhỏ bán gạo, thuốc lá phục vụ khách. “Lúc đó chưa có đường đi, khách muốn qua biển Vũng Rô tôi phải chèo thuyền chở khách gần cả tiếng rưỡi, còn không phải đi bộ xuyên núi cũng mất chừng ấy thời gian mà mệt lắm” - ông kể.

Năm 2002, tuyến đường xuyên núi được mở, ông không đắn đo dựng căn nhà ở đây sống luôn. Ông Thái nhớ lại: “Lúc đó cũng có nhiều người làm nhà ở đây, nhưng dần dần đi hết vì không chịu nổi cảnh hẻo lánh. Giờ chỉ còn mình tôi”. Ngày nào ông cũng xách 2-3 can 20 lít chạy xe lên con suối đầu nguồn lấy nước về sinh hoạt. Còn muốn đi chợ, đi mua hải sản theo yêu cầu của khách, ông phải vào trung tâm thành phố cách đó 16km. “Xa xôi vậy nhưng tôi quen rồi, có việc gì đi xa lại nhớ vô cùng. Khách du lịch tới đây mà không thấy ngôi nhà này họ biết gửi xe, ăn uống ở đâu. Đời tôi gắn bó với nơi này, giờ có đổi gì tôi cũng không đổi” - ông nói.

Niềm vui của ông Thái ngoài chuyện vui thú điền viên, hướng dẫn cho khách du lịch còn là lâu lâu gặp được ông khách phiêu bạt muốn ở lại qua đêm nơi này. Ông kể: “Như bữa trước có ông cán bộ đi công tác ngang qua ghé lại. Nói chuyện vài câu thấy hợp tính, vậy là chẳng còn chủ khách gì nữa. Tôi nhóm bếp làm đồ ăn, cơm dẻo canh ngọt mời khách”. Buổi tối trăng chếch trên núi, ông nằm võng kẽo kẹt kể cho khách nghe về đời mình.

Năm 2009, ông Thái được Bộ Quốc phòng trao kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”. Chiều buông, khách đi bộ trên những bậc thang hải đăng, chợt thần người nhìn thấy lá cờ đỏ ông Thái treo dưới chân núi. Mỗi tháng ông thay một lá. Dáng ông nhỏ gầy trong bộ quân phục cũ in dấu chấm giữa trời cao đất rộng.

YẾN TRINH - CAO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên