28/04/2021 13:43 GMT+7

Rèn kỹ năng ở ngân hàng, bệnh viện... trước khi tốt nghiệp ĐH

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Sinh viên sớm tiếp cận thực tế công việc, rèn luyện xử lý các tình huống cụ thể cũng như kỹ năng làm việc thông qua các chương trình học thực tế tại bệnh viện, doanh nghiệp.

Rèn kỹ năng ở ngân hàng, bệnh viện... trước khi tốt nghiệp ĐH - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong một phòng học mô phỏng tại trường trước khi ra doanh nghiệp - Ảnh: M.G.

Hai năm qua, một tuần vài lần Võ Thị Đông Đông - sinh viên năm 4 ngành y học dự phòng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - đến học tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đông Đông đã học được nhiều điều thực tế mà thầy cô, sách vở chỉ dạy một phần.

Thực tế sinh động

Trước khi đi bệnh viện, Đông lo lắng không biết kiến thức học ở trường có áp dụng được thực tế khi đi thực tập hay không. Tuy nhiên, sau hai năm học ở bệnh viện, sinh viên này nói bản thân được tiếp xúc với nhiều loại bệnh thực tế, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn. 

"Các bác sĩ tại bệnh viện hướng dẫn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với sinh viên. Nhiều giảng viên dạy ở trường là các y bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tại các bệnh viện nên sinh viên cũng được hỗ trợ thực hành tốt hơn" - Đông chia sẻ.

Đây không phải là ngành duy nhất của trường thực hiện đào tạo tại bệnh viện, doanh nghiệp. Bạn Nguyễn Hồng Quang - sinh viên năm 3 ngành tài chính ngân hàng - cũng đã đi thực tập tại một ngân hàng cổ phần từ năm thứ 3.

Tại ngân hàng, Hồng Quang được nhân viên hướng dẫn một số nội dung chuyên môn. Phần còn lại Quang và các bạn sinh viên tự học hỏi, thích nghi. Điều này giúp sinh viên không chỉ sử dụng kiến thức chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm hoạt động thực tế mà còn rèn luyện thái độ, kỹ năng làm việc.

"Sinh viên đã được làm quen với cách làm việc của ngân hàng thông qua ngân hàng mô phỏng đặt ở khoa. Mô hình này giúp sinh viên tiếp cận cụ thể hơn về ngành học của mình, đồng thời thực hành một cách nhuần nhuyễn các bước, cách thức giải quyết công việc trong thực tế.

Tuy nhiên vì mô phỏng nên không thể có nhiều tình huống như trong thực tế được. Học tại ngân hàng thực tế hơn vì có các tình huống, con người với các phát sinh cụ thể. Sinh viên đề xuất cách giải quyết trên cơ sở tham khảo ý kiến của anh chị nhân viên hướng dẫn" - Quang nói thêm.

Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp

Trong nhiều hội thảo về đào tạo và sử dụng nhân lực, nhiều ý kiến từ doanh nghiệp phàn nàn chất lượng đào tạo từ trường còn nặng lý thuyết, thiếu thực tế. Doanh nghiệp tuyển người phải đào tạo lại, tốn chi phí và thời gian. Với việc đào tạo một phần tại doanh nghiệp, lý thuyết sẽ bớt đi, kiến thức thực tế sẽ được trang bị nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - CEO Công ty TNHH TM&DV KT Song Phương Minh - cho biết: "Việc kết nối đào tạo giữa trường với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trường cung ứng cho chúng tôi nguồn lao động chất lượng, có kiến thức, kỹ năng thực tế. Đặc biệt là chúng tôi không phải đào tạo lại vì sinh viên được thực hành thực tiễn rất nhiều. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo rất lớn cho doanh nghiệp". 

Tương tự, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Phương Nam - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM - cho rằng thực tập tại bệnh viện là cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức mình được học trong thực tế và chữa bệnh.

"Khoa y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đào tạo theo mô hình module nên sinh viên được thực tập khám bệnh, làm thủ thuật nhuần nhuyễn trên mô hình trước khi đi bệnh viện. Vì vậy kỹ năng của các em bắt nhịp nhanh với công việc tại các bệnh viện. 

Bên cạnh đó, sinh viên được chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp - một trong những kỹ năng rất quan trọng của người bác sĩ. Những bài học đầu tiên khi bắt đầu đi thực tập tại bệnh viện là bài học về giao tiếp thầy thuốc - bệnh nhân. Khi đi thực tập tại bệnh viện, sinh viên biết cách tiếp xúc và thông cảm với bệnh nhân. Những điều này sẽ rất có ích cho sinh viên sau này..." - bác sĩ Trần Phương Nam nói.

Chia sẻ về việc đào tạo tại doanh nghiệp, TS Trần Ái Cầm - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho biết xuất phát từ thực tế là trường trong doanh nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiểu được tầm quan trọng của gắn đào tạo với việc làm từ những ngày đầu thành lập. 

Trường đã tạo ra "liên minh chiến lược" với các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc, viện nghiên cứu để kết nối, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác...

Tăng khả năng thích ứng nghề nghiệp

Việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực cho sinh viên. Không chỉ giới thiệu việc làm, chỗ thực tập, tạo ra môi trường thực tập thực tế, nâng cao trình độ chuyên môn mà còn giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm, sử dụng thành thạo một số thiết bị văn phòng cơ bản, điều tiết cảm xúc và ứng xử hòa hợp với mọi người xung quanh. Điều đó giúp các bạn được đánh giá cao và dễ dàng lựa chọn cho mình một môi trường làm việc phù hợp. Ngoài ra, sinh viên được tiếp cận với công việc thực tế, giúp tăng khả năng thích ứng với nghề nghiệp và môi trường làm việc thực tế sau này.

TS Trần Ái Cầm (hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Rèn kỹ năng giúp người trẻ lập nghiệp Rèn kỹ năng giúp người trẻ lập nghiệp

TTO - Ngày kỹ năng thanh niên thế giới 15-7 là dịp để nâng cao nhận thức, thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và phát triển các kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn cầu.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên