Chỉ một quãng ngắn trên cung đường tôi vẫn đi lại hằng ngày để đến nơi làm việc, từ Q.Bình Thạnh đến Q.1 (TP.HCM), cũng đã có không ít câu chuyện về việc vi phạm Luật giao thông và ý thức quá kém của nhiều người khi đi lại trên đường.
Đủ kiểu vi phạm
Ngã tư Vũ Tùng - Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh). Đèn đỏ bật sáng nhưng hôm ấy ngoài tôi ra, chỉ có 1-2 xe khác dừng lại, còn tất cả cứ lờ đi, chạy qua luôn. Một người cha chở cậu con khoảng 6-7 tuổi đi học, bé tỏ ra hoảng hốt, la rất lớn:
“Đèn chưa xanh mà sao ba chạy vậy ba?”. Mặc kệ lời của bé, người cha vẫn cho xe rẽ trái dù đèn vẫn đang đỏ và đồng hồ vẫn đang đếm ngược còn hơn chục giây mới qua đèn xanh.
Cách đó không xa, đầu đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) có bảng cấm tất cả các xe chạy vào. Tôi đi đến đây thường rẽ trái từ Lê Quang Định vào Bạch Đằng rồi đi Võ Trường Toản trước khi quay ra Bùi Hữu Nghĩa.
Nhưng nhiều người không chọn cách đi ấy mà cố tình đi vào đường cấm chỉ vì muốn đi nhanh hơn, bất chấp việc vi phạm Luật giao thông và gây nguy hiểm cho những người tuân thủ đúng luật.
Người đi xe máy không những vi phạm đi vào đường ngược chiều mà còn đi trên vỉa hè. Ảnh chụp trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Tương tự, đầu đường Huỳnh Khương Ninh (Q.1) có gắn biển cấm các phương tiện đi từ Đinh Tiên Hoàng vào.
Chỉ cần đứng ở đây tầm 10 phút, tôi đã đếm được có hơn 40 xe vi phạm, chủ yếu là xe máy với đủ thành phần, từ thanh niên đến người lớn tuổi, phụ nữ lẫn nam giới, đa số chạy thẳng từ Huỳnh Khương Ninh vào Nguyễn Văn Giai và ngược lại, dù cơ quan chức năng đã cho lắp dải phân cách, biển báo phân luồng và mặc cho lưu lượng xe đổ từ ngã tư Điện Biên Phủ gần đó vào khá lớn và tai nạn vì vậy luôn chực chờ.
Đừng trông chờ tự ý thức
Đã có nhiều giải pháp, nhiều lời bàn được đưa ra, hầu như tất cả ý kiến đều hướng đến vấn đề ý thức đang ngày càng đi xuống, hay nói đúng hơn là tình trạng vô ý thức đến xem thường Luật giao thông, xem thường tính mạng người khác.
Thế nhưng, nếu chỉ kêu gọi sự tự ý thức thì có lẽ không bao giờ đủ và cũng chẳng bao giờ hiệu quả.
Tôi cho rằng cần phải có các biện pháp chế tài, xử phạt thật nặng các hành vi vi phạm Luật giao thông. Đồng thời việc xử phạt này phải được thực hiện mang tính răn đe, không vị nể, không có “vùng cấm”, không có miễn trừ.
Lực lượng xử phạt cũng phải thực hiện một cách công tâm, minh bạch, không vụ lợi, không trục lợi và nhất là không “giơ cao đánh khẽ”.
Văn hóa giao thông đúng là phải bắt đầu từ giáo dục và ý thức. Nhưng với một xã hội mà rất đông người dân ra đường là “bỏ quên ý thức ở nhà” thì không thể trông cậy vào hai chữ “ý thức” được mà phải dùng đến hình thức pháp trị để răn đe, nhắc nhở.
Có như vậy mới mong dần hình thành văn hóa khi tham gia giao thông. Biết nhường đường, biết đi đúng làn, dừng đúng vạch, biết chờ mấy chục giây đèn đỏ - những điều đó hẳn là không quá khó để thực hiện.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Sau lễ phát động diễn đàn Xây dựng văn hóa giao thông ngày 26-2, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên các thông tin, bài viết, hình ảnh, video clip về việc xây dựng văn hóa giao thông đô thị trên các ấn phẩm, báo điện tử và kênh truyền hình Tuổi Trẻ. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được nhiều ý kiến, hình ảnh, video clip đóng góp, hiến kế, phản biện của bạn đọc trong và ngoài nước liên quan đến nội dung trên. Mọi tin bài, thông tin liên hệ xin gửi về địa chỉ email: nguyentran@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận