Rạp Rex trước 1975 hay chiếu phim Âu Mỹ - Ảnh tư liệu
Bộ phim đằm thắm, nhẹ nhàng đưa tôi không chỉ đến nước Ý mà lạ thay đưa tôi về những rạp chiếu bóng thuở nhỏ ở Sài Gòn của mình. Những cái tên Rex, Eden, Văn Hoa, Đại Đồng, Long Vân... hiện lên trong tôi như những nơi chốn thần thoại, thu hút bọn con nít ngày xưa mê say viễn du vào thế giới vừa thực vừa ảo.
Những ai từng lớn lên ở một đô thị nhiều tiện nghi văn hóa chắc không thể nào đánh mất ký ức về các rạp chiếu bóng mà dân Sài Gòn quen gọi là rạp xinê (cinéma). Nhất là vào dịp lễ Tết, các rạp xinê là địa chỉ của những tiếng cười sảng khoái sau một năm vất vả.
"Ba tiểu thư" quý phái
Đêm Giáng sinh (24-12) vừa rồi, trên mặt tiền khách sạn Rex có một cây thông Noel khổng lồ được tạo hình bằng những bóng đèn trang trí sáng lung linh. Đông người qua lại ngắm nhìn nó như biểu tượng phục hồi sinh hoạt nhộn nhịp của trung tâm thành phố sau những ngày COVID-19 buồn vắng.
Trước khung cảnh tưng bừng đó, tôi ước chi được quay ngược thời gian để vào xem một bộ phim vui tươi của "vua hài" Charlot hay Louis de Funes ở "thiên đường lộng lẫy" bên trong tòa nhà Rex.
Từ thập niên 1960, Rex vốn dĩ không chỉ là khách sạn mà còn là cao ốc phức hợp bao gồm văn phòng, vũ trường, quán cà phê, nhà hàng, hồ bơi, sân tennis... Và đặc biệt, Rex có đến ba rạp xinê thuộc loại "trâm anh, đài các" từ cách thiết kế đến ghế ngồi, máy lạnh và phong cách phục vụ. Rạp lớn rộng mênh mông, khai sinh vào năm 1962 - đồng tuổi người viết.
Rạp có hai tầng với khoảng 1.000 ghế và một màn ảnh "đại vĩ tuyến" bề thế. Hoa văn trang trí vách tường và trần nhà trong rạp đều là những đường nét màu lam ngọc thanh nhã. Ghế ngồi là ghế nệm bọc simili êm ái với màu xanh dạ trang trọng. Dàn máy lạnh của rạp chạy êm ru như "mang" cả Đà Lạt vào khán phòng.
Quý bà quý cô vào đây thường diện áo lạnh đủ màu đủ kiểu càng làm không gian trong rạp thêm sinh động và vui tươi. Trong lúc phim chưa chiếu, những bài hát du dương, phần lớn là tiếng Pháp, cất lên dìu dặt.
Rạp lớn có mặt tiền thênh thang đối diện với công viên Đống Đa, phía trước tòa đô sảnh. Trong khi ấy, hai rạp nhỏ mang tên Mini Rex A và Mini Rex B đều ra đời vào những năm 1970. Hai "nàng út" này e ấp, ẩn mình bên trong tòa nhà, gần vũ trường, có lối vào ở mặt đường Lê Lợi.
Mỗi rạp chỉ non 100 ghế và là ghế bành lớn, có thể ngồi cả đôi. Không gian rạp Mini be bé, vách tường khoác màu sôcôla ấm cúng nên mau chóng trở thành chỗ hẹn hò quý phái cho các cặp tình nhân!
Trước 1975, Rex nổi tiếng là rạp chuyên chiếu các phim Âu Mỹ mới "nhập cảng", phần lớn là phim "chiếu độc quyền". Với vị trí đắc địa ở trung tâm và khung cảnh thượng lưu, Rex còn là nơi biểu diễn ca nhạc và ra mắt phim mới, đón các đoàn văn nghệ nước ngoài hoặc là nơi diễn ra các sự kiện điện ảnh lớn như Ngày điện ảnh Việt Nam.
Người đi xem tại đây không hẳn là đi xem phim mà còn có thú vui được thưởng ngoạn một không gian giải trí thượng hạng, sau một vòng dạo đường phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do (Đồng Khởi). Thỏa thích nhất là vào dịp Giáng sinh và Tết!
Với tôi thuở con nít, ấn tượng lớn nhất ở Rex lại là chiếc thang cuốn ở tiền sảnh dẫn lên khán phòng trên lầu. Ngày ấy, hầu như Rex là rạp duy nhất ở Sài Gòn "trình làng" chiếc thang cuốn hiện đại đầy "ma lực".
Vé xem trên lầu dĩ nhiên mắc hơn vé dưới nhà, nhưng bọn nhóc chúng tôi mỗi lần vào Rex đều cố vòi vĩnh người lớn cho xem trên lầu để được đi chiếc thang "thần tiên" đó.
Nhà báo Phạm Công Luận còn nhớ lúc mới lên 10 từng xem tại đây một bộ phim hài khoa học giả tưởng của Mỹ có tên là Barbabella.
Trong phim, ở phần mở đầu, người ta cho xuất hiện cảnh "nude" của cô đào "bốc lửa" Jane Fonda chút chút nhưng rồi lại cho "chạy" những hàng chữ tựa phim đè lên càng làm phim thêm hấp dẫn.
Sau 1975, có nhiều năm Rex đổi tên là Bến Thành. Có lẽ vào khoảng những năm 1990, tên Rex được phục hồi khi đất nước trở lại với kinh tế thị trường.
Một trong những phim tôi xem lần chót tại Rex là L’Amant (Người tình). Phim có nhiều cảnh tái hiện phố xá Sài Gòn vào những năm 1930 rất công phu và cả những cảnh yêu đương được quay rất nghệ thuật.
Trong buổi chiếu ra mắt Người tình, người xem được gặp đạo diễn Jean-Jacques Annaud - người có mái tóc bạch kim xoăn xoăn và phong cách rất lịch lãm.
Đầu những năm 2000, không hiểu vì sao đơn vị chủ quản của Rex bỗng xóa đi cả ba rạp xinê. Tiền sảnh rạp lớn trở thành lobby mới của khách sạn, còn khán phòng hóa thành nhà hàng sân vườn. Riêng hai rạp Mini đã đổi thành hội trường nhỏ.
Than ôi, Rex trong tiếng châu Âu có nghĩa là "vua chúa", vậy mà "bậc đế vương" vẫn phải chia tay những rạp hát của mình và bao thế hệ!
Các tờ quảng cáo phim chiếu ở rạp Rex và Eden từ sưu tập của nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp - Ảnh tư liệu
Hai "đức ông" sang trọng
Đối diện Rex là khu thương xá và căn hộ Eden đồ sộ, hình thành từ những năm cuối 1940. Trong đấy có một rạp xinê tuy nhỏ hơn nhưng "thượng lưu" không kém.
Mặt chính của rạp nằm ở mặt đường Tự Do, bên cạnh nhà sách Xuân Thu. Trên vách sau của rạp, trông sang Rex, thường xuyên có panô vẽ hình quảng cáo phim đang chiếu giống như nhiều rạp khác ở Sài Gòn.
Bên trong rạp, khách ngỡ ngàng trông thấy dáng vẻ một nhà hát opera. Hiếm có rạp xinê nào ở Sài Gòn có đến hai tầng lầu như Eden.
Vào thời Pháp, hai tầng lầu đều được phân lô nên dấu tích còn lại là những đoạn bancông nho nhỏ có lan can bằng gang, thiết kế rất hoa mỹ. Thời sinh viên, vào những năm 1980, mỗi lần vào nhà sách Xuân Thu, tôi đều không cưỡng lại ý định sẽ rẽ qua hành lang dẫn vào rạp Eden.
Cái hành lang có những cửa hàng lưu niệm, quầy bán báo và cả tiệm cà phê xinh xắn tạo nên một không gian cổ điển rất "Tây".
Tiếc thay, cách đây khoảng 10 năm, cả cụm nhà Eden đã bay "lên trời", nhường chỗ cho tòa nhà Union Square đương đại. Ước chi chủ đầu tư có thể phục hồi quán Givral, cà phê La Pagode và cả rạp Eden nữa để bao người yêu quý chúng không phải đắng lòng mãi.
Trong khi đó, khoảng năm 1973 - 1974, rạp Thanh Bình cũ kỹ ở đường Phạm Ngũ Lão được xây lại. Nó trở thành một rạp xinê tối tân nằm trong một thương xá mới mẻ, mang tên là Quốc Tế.
Đây là rạp đầu tiên có màn ảnh cong, tạo cảm giác hình ảnh nổi, rất sắc nét. Cùng với máy chiếu công nghệ "Vistarama", rạp còn áp dụng hệ thống âm thanh vòng quanh các vách tường cho nên khách thấy mình như được "sống" hẳn trong phim.
Tôi được xem bộ phim Mỹ khai trương rạp là Cuộc đua bay vui như tiên (Those magnificent men in their flying machines). Phim vui nhộn, nhiều cảnh "máy bay bà già" nhào lộn, xem trên màn hình cong càng lý thú...
Rạp Quốc Tế còn mang đến kiểu bán nước giải khát và bánh kẹo ngay trong rạp theo lối Mỹ.
Người bán đội calô trắng, khoác tạp dề sọc đỏ, đeo khay hàng trước ngực đi mời khách. Khoảng hơn một thập niên trước, rạp Quốc Tế và cả khu thương xá bị phá bỏ để làm chung cư cao cấp.
Thật tiếc cho những "thiên đường chiếu bóng" lộng lẫy ở trung tâm Sài Gòn năm xưa...
**********
Dân Sài Gòn ở đâu cũng có "thiên đường chiếu bóng" theo túi tiền và sở thích. Chỉ cần một chiếc vé xinê rẻ hơn ngàn lần so giá vé máy bay, người xem như viễn du nhiều châu lục...
>> Kỳ tới: Vương quốc xi nê một thời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận