Phun xịt khử khuẩn tại một cụm rạp chiếu phim
Sáu tháng tiếp theo chắc chắn sẽ là sáu tháng khó khăn nhất trong lịch sử rạp chiếu phim vì trong chiến tranh chúng ta vẫn có thể quay phim, khán giả vẫn đi xem phim. Nhưng trong dịch bệnh, chúng tôi bắt buộc phải ngồi yên.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh (phó tổng giám đốc Công ty BHD)
Theo thống kê của CGV, tháng 3-2019 hệ thống rạp cả nước thu hút 5 triệu lượt khách, doanh thu 350 tỉ đồng. Nhưng tới tháng 3-2020 hệ thống rạp cả nước chỉ có 1 triệu lượt khách, doanh thu 76 tỉ đồng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất đều cho biết 6 tháng tới phim Việt sẽ khan hiếm nghiêm trọng. Những phim Việt dự kiến ra mắt trong năm nay như Bí mật của gió, Chị Mười Ba, Trạng Tí, Lật mặt 5... dời lịch chiếu.
Khó khăn chồng chất
Bà Ngô Thị Bích Hạnh - phó tổng giám đốc Công ty BHD - cho biết hiện doanh thu rạp bằng không, nhưng chi phí cố định cho rạp hằng tháng vẫn ngốn cả chục tỉ đồng nên khó khăn chồng chất.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - giám đốc điều hành khối rạp của Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) - cho biết công ty vẫn phải chi 5-10 tỉ đồng/tháng để trả tiền thuê mặt bằng cho hệ thống rạp, trả lương nhân viên và nhiều chi phí khác.
"Nếu dịch kéo dài, chúng tôi phải tính đến các phương án cắt giảm lao động và duy trì hoạt động với mức độ chi phí tối thiểu thì mới cầm cự được" - bà Mai Hoa chia sẻ.
Bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam - cho biết: "Một số hãng phim, doanh nghiệp điện ảnh có phản ánh với hiệp hội về tình trạng đầy khó khăn, thậm chí bi đát, có những doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản.
Khi chưa có COVID-19, doanh nghiệp điện ảnh nội địa đã rất khó khăn bởi doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh rạp chiếu phim chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài là công ty con của các tập đoàn lớn, thuộc các công ty "mẹ" đa ngành có tiềm lực tài chính mạnh, có thể đảm bảo cho "con" của họ vượt qua khó khăn thời đại dịch.
Trong khi đó doanh nghiệp điện ảnh Việt là công ty của những người làm nghề điện ảnh, không đủ tiềm lực tài chính để có thể đương đầu lâu dài với cơn khủng hoảng COVID-19".
Kêu cứu
Hiện nay các đơn vị kinh doanh rạp chiếu đều muốn đề xuất giảm nộp thuế, giảm thuế VAT cho hoạt động thuê mặt bằng; giảm nộp các loại bảo hiểm cho người lao động, giảm thuế thu nhập cá nhân...
Ngoài ra các đơn vị này cũng mong Nhà nước có các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như khi hết dịch có thể trở lại hoạt động ngay. Công ty BHD cho biết họ đang làm việc với các trung tâm thương mại xin giảm chi phí cho thuê địa điểm, làm việc với ngân hàng xin giảm lãi suất và giãn tiến độ trả nợ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết về mặt pháp lý, theo quy định tại Bộ luật dân sự cũng như trong hợp đồng thuê đều có điều khoản về trường hợp bất khả kháng. Theo đó, các bên trong hợp đồng sẽ được quyền tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ với nhau.
Tuy nhiên hiện nay có những cách hiểu khác nhau về điều khoản này. "Chúng tôi rất cần sự hướng dẫn, giải thích cụ thể của cơ quan nhà nước về vấn đề này để chủ thuê và khách thuê áp dụng trên thực tế, tránh những tranh chấp không đáng có" - bà Mai Hoa nói.
Các hiệp hội điện ảnh hiện nay rất lo lắng cho tương lai ngành điện ảnh trước cơn bão COVID-19. Vì điện ảnh nội địa còn non yếu, lại không được coi là dịch vụ cấp thiết của xã hội.
Ông Nguyễn Văn Nhiêm - chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam - cho biết: "Ngành chiếu bóng và phát hành từ tháng 2-2020 đã suy giảm 30-50% doanh thu rồi. Hiệp hội cũng đang làm kiến nghị gửi cơ quan chức năng để xin hỗ trợ cho ngành điện ảnh".
"Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, có khả năng sau dịch, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng phim tư nhân sẽ đóng cửa hàng loạt dẫn đến vấn đề nghiêm trọng là thị trường điện ảnh sẽ chỉ còn doanh nghiệp nước ngoài.
Hơn lúc nào hết điện ảnh rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giữ vững vị trí và thị phần, đóng góp vào sự nghiệp ổn định văn hóa - xã hội và bảo vệ truyền thống dân tộc" - bà Ngô Phương Lan nói.
Khán giả hụt hẫng
Phim Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang trong giai đoạn hậu kỳ. Lịch phát hành đầu tiên của phim là 30-4 nhưng đã được dời sang khoảng tháng 8, chưa thể chốt ngày do dịch diễn biến phức tạp.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: "Bản thân tôi cũng may mắn vì ở nhà còn viết được kịch bản và làm nhiều việc khác, trong khi các bạn quay phim, ánh sáng, phục vụ hay trang điểm cho đoàn phim sẽ rất khó khăn".
Với khán giả Trần Hồng Ngân (TP.HCM), rạp phim là nơi tụ tập bạn bè quen thuộc. Làm việc trong ngành giải trí nên cô thường xuyên thưởng thức phim rạp để cập nhật vốn hiểu biết. "3 tháng nay tôi hầu như không đến rạp nữa.
Nhìn doanh thu phòng vé trở thành 0 tròn trĩnh trong tuần qua, tôi thấy buồn và hụt hẫng. Đằng sau con số đó là cuộc sống khó khăn của rất nhiều người" - Hồng Ngân chia sẻ.
MI LY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận