20/06/2018 14:02 GMT+7

Ranh giới mong manh

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Hàng ngàn container phế liệu chất đống ở cảng đã buộc hãng tàu, cảng phải ra thông báo ngừng vận chuyển, tiếp nhận loại hàng "đặc biệt" này.

Ranh giới mong manh - Ảnh 1.

Cùng với Việt Nam, Thái Lan cũng đưa ra những thông báo tương tự. Nguy cơ Việt Nam trở thành "điểm đến" của chất thải là có thật.

Đường đi của phế liệu đã thay đổi khi đầu năm 2018, Trung Quốc - quốc gia từng nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới - ngưng nhập khẩu các loại chất thải, chủ yếu là nhựa và giấy phế liệu vì ô nhiễm môi trường.

Lập tức, nhiều nước châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam... trở thành điểm "tập kết" mới của các phế liệu.

Tại sao phế liệu lại dồn dập đổ về Việt Nam? Vẫn có doanh nghiệp cần phế liệu giấy, nhựa để làm nguyên liệu sản xuất với chi phí rẻ hơn, góp phần giảm nạn thiếu hụt nguyên liệu sản xuất trong nước.

Cũng có một thực tế là tái chế phế liệu là một ngành công nghiệp cần khuyến khích, góp phần hạn chế khai thác quá mức tài nguyên nhưng với điều kiện phải chấp hành các yêu cầu khắt khe về môi trường.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định rất rõ điều kiện, yêu cầu này nếu doanh nghiệp muốn nhập khẩu phế liệu.

Trên thực tế, như nhiều chuyên gia cho rằng cách quản lý của Việt Nam phức tạp nhưng cực kỳ lỏng lẻo, trong khi chi phí để "đổ" phế liệu về Việt Nam quá rẻ so với phải xử lý ở nước sở tại. 

Và thế là nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này, kể cả gian lận để đẩy rác về Việt Nam. Hậu quả là rác đang chất đống ở các cảng.

Tại TP.HCM, với hàng ngàn container phế liệu về TP.HCM từ đầu năm đến nay, cơ quan hải quan thu chưa đến 200 tỉ đồng tiền thuế nhưng lại đau đầu khi những container phế liệu không có người nhận chiếm mặt bằng ở cảng, ảnh hưởng cả doanh nghiệp cần phế liệu để sản xuất.

Trước tình hình này, câu hỏi lớn nhất là ứng xử thế nào với những container phế liệu và có nên tiếp tục chấp nhận là "điểm đến" của rác thải?

 Nếu chúng ta không có quan điểm dứt khoát, đồng thời xây dựng một hệ thống pháp luật, kiểm tra ngặt nghèo việc nhập khẩu và tái chế phế liệu, không khéo sau này sẽ phải lãnh chịu những hậu quả khó khắc phục được về môi trường. Câu trả lời này dành cho Bộ Tài nguyên - môi trường.

Nếu tiếp tục chủ trương cho nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước thì phải kiểm soát chặt khâu nhập khẩu, không để bị lợi dụng để đẩy rác về Việt Nam. 

Đồng thời phải công khai minh bạch những doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, phải kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của những doanh nghiệp này.

Tái chế phế liệu, ranh giới giữa tái tạo và ô nhiễm môi trường là rất mỏng manh. Chính sự mỏng manh có thể dẫn đến lợi bất cập hại, lợi ít hại nhiều. 

Một khi xảy ra ô nhiễm môi trường, cái giá phải trả rất đắt, bởi chi phí khôi phục lại sự trong lành của môi trường là cực kỳ tốn kém.

Đau đầu với hàng ngàn container phế liệu dồn ứ tại cảng TP.HCM Đau đầu với hàng ngàn container phế liệu dồn ứ tại cảng TP.HCM

TTO - Hàng ngàn container chứa phế liệu tồn đọng quá 90 ngày tải các cảng khiến cho Việt Nam phải đau đầu trước viễn cảnh trở thành bãi chứa rác của các quốc gia khác.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên