23/04/2014 08:00 GMT+7

Rác ùn ứ ở nội thành Cần Thơ

LÊ DÂN - THÁI LŨY
LÊ DÂN - THÁI LŨY

TT - Ngày 22-4, ngày thứ ba liên tiếp người dân sống cạnh bãi rác Ô Môn (P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ) tiếp tục chặn đường không cho các xe rác vào đổ tại bãi rác khiến một số đường, hẻm ở nội ô Q.Ninh Kiều ùn ứ rác.

Cần Thơ: dân tiếp tục chặn xe rácBãi rác gây ô nhiễm, dân chặn xe rácDân lấp cống KCN Bắc Chu Lai vì ô nhiễm

LSmyFoPE.jpgPhóng to
Người dân sinh sống gần bãi rác Ô Môn chặn xe chở rác, không cho vào bãi đổ rác (ảnh chụp trưa 21-4) - Ảnh: Lê Dân

Các tuyến đường trung tâm Q.Ninh Kiều như: Ngô Quyền, 30-4, 3-2, Trần Văn Hoài, Lý Tự Trọng...sau 8g mới có xe đến chở rác đi. Còn các hẻm phụ ở những tuyến đường này và các khu dân cư thì rác dồn đống đã mấy ngày nay. Đến trưa 22-4, rác vẫn chất đống bốc mùi hôi thối...

Lo thành phố... bốc mùi

Ông Huỳnh Tâm Trí, trưởng phòng kinh doanh kỹ thuật vật tư tổng hợp Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Cần Thơ, cho biết anh em công nhân và cả công ty phải dốc toàn lực trắng đêm vì việc thu gom rác của TP. “Đây là lần thứ ba người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi rác. Nếu vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ một, hai ngày nữa là cả TP ngập rác và bốc mùi” - ông Trí lo lắng.

Theo ông Trí, hiện nay công ty thu gom rác sinh hoạt của TP Cần Thơ khoảng 1.000 m3/ngày (350 tấn). Do không có chỗ đổ nên rác chứa đầy tại các điểm tập kết gồm: 6 container, 24 xe ép, 15 xe tải, 500 xe thu gom rác. Ngày 22-4, để tạm thời giải phóng phương tiện thu gom rác, UBND TP chỉ đạo tạm thời đổ rác xuống mặt bằng các trạm trung chuyển rác và bãi đổ bùn của công ty ở Khu công nghiệp Hưng Phú 1, tăng cường phun xịt và phủ bạt để khử mùi hôi.

Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này vẫn không thể giải phóng lượng rác tồn đọng, đến nay còn tồn đọng 500-700m3 rác ở các tuyến đường và hẻm thuộc Q.Ninh Kiều. Một giải pháp tạm thời khác được UBND TP đưa ra hiện nay là chia rác ra đổ ở các bãi rác nhỏ tại một số quận huyện. Theo ông Trí, giải pháp này cũng chỉ giải quyết rác ùn ứ một phần vì những bãi rác này rất nhỏ hẹp, trong khi đường đi khá xa, có nơi xe đổ rác lớn không đi tới được...

“Phải giải quyết từng bước”

Trong khi đó, đến chiều 22-4 vẫn còn khá nhiều người dân sống cạnh bãi rác Ô Môn tiếp tục tập trung tại khu vực gần bãi rác chặn không cho xe rác vào đổ rác. Họ yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm mới cho xe chở rác vào. Tuy nhiên theo bà Võ Thị Hồng Ánh - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, không thể đáp ứng toàn bộ đòi hỏi của người dân mà phải giải quyết từng bước. “Giải pháp trước mắt là tăng cường phun xịt hóa chất ở bãi rác, mỗi lớp rác được đổ xuống sẽ cho phủ nilông lập tức. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước rỉ rác được triển khai thi công và đưa vào xử lý trong vòng một tháng cũng được khẩn trương thực hiện. Cây xanh được trồng ba lớp xung quanh bãi rác nhằm tránh hiện tượng phát tán mùi hôi” - bà Ánh nói.

Vấn đề xử lý rác thải của TP Cần Thơ đã được tính đến khi TP được chia tách vào năm 2004, thế nhưng đến nay TP vẫn rất bị động trong việc xử lý rác thải. Có ít nhất 10 nhà đầu tư đến tìm hiểu và có ý định đầu tư nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại của Mỹ, Đức, Pháp... sẽ biến rác thành phân hữu cơ, điện, nhiệt... nhưng sau khi làm việc xong đều bặt vô âm tín. Nguyên nhân do TP cứ loay hoay lựa chọn công nghệ xử lý và giá cả xử lý rác...

Bà Võ Thị Hồng Ánh thừa nhận lãnh đạo TP rất băn khoăn trong việc chọn công nghệ để xử lý rác. Theo bà Ánh, những nhà máy xử lý rác thải trong nước hiện tại không thể xử lý triệt để ô nhiễm của nước rỉ rác, phân vi sinh thì không đảm bảo chất lượng vì còn nhiều kim loại nặng... Hơn nữa, khi chọn được nhà đầu tư, do nhiều lý do khác nhau nên nhà đầu tư xin rút việc đầu tư. Đến năm 2012, TP mới tiếp cận được Công ty xây dựng công nghiệp môi trường CNIM (Pháp), doanh nghiệp này sử dụng công nghệ sấy, hoàn toàn khắc phục được mùi hôi và không có nước rỉ rác, còn phân compost đạt tiêu chuẩn châu Âu.

“Đầu tháng 5, doanh nghiệp này sẽ khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn cho TP đặt ngay bãi rác Ô Môn hiện tại. Thời gian thi công khoảng 18 tháng, công suất giai đoạn 1 khoảng 130.000 tấn/năm. Đây là nhà máy xử lý chất thải rắn hiện đại nhất Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Khi có nhà máy này thì câu chuyện xử lý rác mới ổn” - bà Ánh nói.

LÊ DÂN - THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên