13/05/2022 09:38 GMT+7

Ra trường là phải... biết bơi

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Có một ngôi trường ở Quảng Ngãi mà 100% học sinh tốt nghiệp đều biết bơi. Ngôi trường ấy từng trải qua đau thương khi 6 năm trước, 9 học sinh của trường cùng lúc bị đuối nước. Từ đó, trường dạy bơi cho học sinh và bơi lội là môn học chính khóa.

Ra trường là phải... biết bơi - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nghĩa Hà học bơi trong hồ bơi nghĩa tình do nhà hảo tâm đóng góp - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thầy Trần Công Hùng, hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi, bảo rằng 6 năm qua trường không có bất kỳ học sinh nào bị tai nạn đuối nước. Đó cũng là niềm an ủi, giúp thầy cô quên đi quá khứ đau buồn từng trải qua.

Hồ bơi nghĩa tình

Dù 6 năm trôi qua nhưng cứ đến dịp này là ký ức đau buồn lại ùa về với tập thể trường. Ai cũng nhớ tháng 4-2016, khi hay tin đuối nước ở sông Trà Khúc, chẳng thầy cô nào dám nghĩ đó lại là học sinh trường mình. 

Thời điểm đó, sau khi lo tang lễ cho trò, không khí ở trường rất căng thẳng. "Sống bên cạnh nhiều dòng sông, rồi sát biển nhưng thiệt tình nhà trường và phụ huynh đều sợ con em ra sông, biển chơi. Thời điểm đó, chẳng mấy em biết bơi. Đó là lý do mà chỉ một vũng nước nhỏ đã cướp đi sinh mạng của 9 học trò" - thầy Hùng trải lòng.

Những buổi họp, bàn giải pháp xóa mù bơi lội ở trường không có ý kiến nào căn cơ. Cuối cùng, trường quyết định tranh thủ dịp hè dùng tre vây tạm mặt sông làm hồ dạy bơi. 

Đúng thời điểm ấy, may mắn trường được các nhà hảo tâm liên hệ tặng hồ bơi rộng 500m2 đặt ngay khuôn viên trường. 

Ông Nguyễn Trọng Khải - giám đốc Công ty TNHH thương mại & chuyển giao công nghệ K&H (TP Đà Nẵng), một trong những doanh nghiệp đóng góp xây dựng kiêm thiết kế, thi công hồ bơi này - chia sẻ rằng vụ đuối nước quá thương tâm nên họ tự vận động nhau đóng góp 1,6 tỉ đồng để làm hồ dạy bơi cho các em.

Nhìn những học trò đầu tiên xuống nước, ông Khải vui và hy vọng hồ bơi nghĩa tình này sẽ "xóa mù bơi" cho trẻ em trong khu vực. 

"Nhiều năm qua, lúc không quá bận rộn với công việc, tôi trở lại thăm trường. Còn liên lạc với ban giám hiệu qua điện thoại thì liên tục. Nói thật là mừng lắm khi thầy cô báo hồ hoạt động hiệu quả. Nhiều năm rồi không có học trò nào của trường đuối nước" - ông Khải tâm tình.

"Xóa mù" bơi lội

Chúng tôi gặp một nhóm học trò nữ đang ngồi dưới gốc cây nơi góc sân trường. Hỏi các em biết bơi chưa, các em lễ phép nói "Dạ tụi cháu biết bơi cả rồi". Các em nhắc đến thầy Trần Quang Đế, người trực tiếp dạy bơi cho toàn bộ học sinh của trường, bằng lòng biết ơn. 

Ở xã Nghĩa Hà, phần lớn học trò sống cùng ông bà bởi cha mẹ phải vào Nam mưu sinh. Xã dù được nhập vào TP Quảng Ngãi gần chục năm nhưng nhiều gia đình vẫn rất khó khăn.

"Lúc đầu em sợ nước lắm, ông bà cấm em ra sông chơi. Nhờ có thầy Đế dạy mà em không còn sợ nước như trước nữa" - em Hiền, học sinh của trường, chia sẻ. Rồi cô bé kể về cách ứng cứu khi có bạn đuối nước, cách bản thân tự "đứng nước", bơi nương theo dòng nước nếu chẳng may bị trôi ra xa, không đủ sức bơi vào bờ. Những kỹ năng cơ bản để sinh tồn, cô bé và các bạn được thầy Đế tận tình chỉ dạy.

Vốn là vận động viên bơi lội của tỉnh Quảng Ngãi, tốt nghiệp môn bơi lội, thầy Đế nộp hồ sơ xin về Trường THCS Nghĩa Hà giảng dạy để góp sức "xóa mù" bơi lội. Nguyện vọng ấy được chấp thuận. Từ ngày về trường, một mình thầy Đế đảm nhiệm dạy bơi cho toàn bộ học sinh.

Thầy Đế bảo rằng từ lúc về trường, bơi lội trở thành môn học chính. Ban giám hiệu giao nhiệm vụ "100% học sinh ra trường phải biết bơi". Lúc đầu, thầy Đế cũng áp lực bởi trường lúc nào cũng có từ 600 học sinh trở lên, không dễ gì để cùng lúc giảng dạy các em. Biến áp lực thành giải pháp, thầy Đế bàn với nhà trường dạy giã gạo.

"Có nghĩa là học sinh lớp 6 chỉ chơi đùa, quen với nước. Đến lớp 7 thì dạy các em biết bơi cơ bản, lớp 8 hướng dẫn lý thuyết các kỹ năng sinh tồn và tự bơi. Lên lớp 9, các em xuống nước học trực tiếp các kỹ năng. Vậy nên, không phải lúc nào toàn bộ học sinh ở trường cũng biết bơi. Nhưng khi ra trường thì toàn bộ đều thuần thục bơi và biết cách xử lý sự cố xảy ra" - thầy Đế chia sẻ.

Nỗ lực của nhà trường và các nhà hảo tâm

Từ ngôi trường chịu đau thương bởi đuối nước, đến nay tất cả học sinh tốt nghiệp đều biết bơi thật sự là nỗ lực không ngừng.

Thầy Trần Công Hùng bảo rằng có thời điểm việc vận hành hồ bơi gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí. Nhưng rồi nghĩ lại những đóng góp và tấm lòng của các nhà hảo tâm với trường, cả tập thể lại nỗ lực.

"Trường luôn cố gắng duy trì dạy bơi hiệu quả nhất để không phụ tấm lòng và niềm tin nhà hảo tâm đã gửi trao. Niềm vui lớn nhất là học trò đều biết bơi" - thầy Hùng nói.

Để "xóa mù" bơi lội hiệu quả

Ông Nguyễn Trọng Khải không chỉ hỗ trợ xây dựng hồ bơi ở Trường THCS Nghĩa Hà mà còn xây dựng nhiều hồ bơi cho các trường học khác.

Từ thực tế, ông Khải rút ra kinh nghiệm hồ bơi trong nhà trường chỉ hoạt động hiệu quả khi có nguồn kinh phí phục vụ duy tu bảo dưỡng, vận hành và tiền giảng dạy. Nhiều hồ bơi không hoạt động hiệu quả bởi thiếu kinh phí.

"Hồ bơi nếu không xử lý nước, không duy tu thì chỉ cần một tháng là như ao bẩn, không thể cho các cháu học bơi được. Muốn xóa mù bơi lội, ngành giáo dục cần xem chi phí này là hoạt động chính, xuyên suốt" - ông Khải nói.

Theo đuổi giấc mơ 1 triệu trẻ biết bơi Theo đuổi giấc mơ 1 triệu trẻ biết bơi

TTO - Giấc mơ phổ cập bơi lội cho 10.000 trẻ của chàng trai từng là giáo viên thể dục đã hoàn thành sau 6 năm. Và giờ đây, anh ấy đang "nâng tầm" giấc mơ, mong dạy bơi cho 1 triệu trẻ em.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên