Lại hút được vô số đinh ở cầu vượt Sóng Thần, người dân ớn lạnh với đinh hình thoi
Thời gian qua khu vực xung quanh cầu vượt Linh Xuân và cầu vượt Sóng Thần thường xuyên bị rải đinh khiến nhiều người bức xúc.
Khoảng 20h ngày 3-3, nhiều công nhân, tài xế đã tập trung cùng nhóm xe hút đinh Bình Dương để rà hút đinh.
Hai giờ thu được 5kg đinh
Sau hai giờ rà hút, ba máy hút đinh thu gom được hàng loạt mảnh đinh bằng sắt có dạng hình thoi, nhọn hai đầu, dài khoảng 1-2cm và sơn xanh.
Số lượng cả ba máy thu được khoảng 5kg mảnh đinh. Những mảnh đinh này được rải dày đặc tại nhiều vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến người đi đường.
Anh Phùng Hữu Hiệp (43 tuổi, Bình Dương), người tham gia hút đinh, cho biết: "Chúng tôi thường xuyên rà hút tại khu vực này, chỉ thấy số lượng bằng hoặc tăng thêm so với trước chứ không thấy giảm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến an toàn của người dân khi di chuyển qua đây".
Anh Hiệp cho biết sáng cùng ngày, thanh niên tình nguyện Đoàn phường Linh Xuân đã ra quân thu nhặt đinh tại quốc lộ 1 đoạn cầu vượt Linh Xuân.
Tuy nhiên ngay tối hôm đó, khi nhóm rà hút lại, lượng đinh thu được vẫn còn dày đặc.
"Thường chỉ cần đi một đêm thôi, hôm sau đã có lại rồi. Các mảnh đinh thu được lần này dày đặc, không thể tưởng tượng nổi", anh Hiệp nói.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Thanh Hải - chủ tịch UBND phường Linh Xuân, TP Thủ Đức - cho biết dọc tuyến quốc lộ 1 nhiều lần xảy ra tình trạng trên. Phường thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng đi tuần tra, khắc phục.
"UBND phường Linh Xuân thường phối hợp với phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (khu vực liền kề) để kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng này", ông Hải nói thêm.
Chế tài hành chính vẫn còn nhẹ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc rải đinh trên các tuyến đường có thể gây tai nạn, tổn hại sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác.
Theo luật sư Nghiêm, rải đinh là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điều 11 nghị định 100 và điều 2 nghị định 123. Các cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị phạt 4 - 8 triệu đồng. Đối với tổ chức thực hiện có thể phạt 8 - 12 triệu đồng.
Ngoài ra việc rải đinh ra đường nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông, quy định tại điều 261 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm.
"Mặc dù chế tài hình sự đã đủ tác dụng răn đe, cảnh cáo vi phạm, nhưng chế tài hành chính vẫn còn quá nhẹ, khiến cho một số người vẫn dửng dưng thực hiện việc rải đinh nhằm thu lợi bất chính", luật sư Nghiêm nói.
Trước thực trạng "đinh tặc" hoạt động, luật sư Nghiêm nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên và phải có giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm thu thập chứng cứ vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận