15/05/2017 12:17 GMT+7

Quy mô doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng nhỏ dần

L.K
L.K

TTO - Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu - Ảnh: L.K
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cân nhắc giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu - Ảnh: L.K

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15-5 nhận định tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chỉ số tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

“Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%” - báo cáo viết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến thành viên ủy ban đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...

“Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng” - ông Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế cũng đề cập đến tình trạng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn.

Vấn đề nổi lên của doanh nghiệp VN hiện nay là mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột; hoạt động của các doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần duy trì đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ.

Nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp.

L.K
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên