20/02/2025 12:40 GMT+7

Quy đổi về một thang điểm và xét tuyển chung: Liệu có bảo đảm công bằng?

Bỏ tất cả thí sinh vào một rổ để xét tuyển từ cao xuống thấp, ngay cả thí sinh thủ khoa các kỳ thi đánh giá năng lực cũng có nguy cơ rớt đại học.

Quy đổi về một thang điểm và xét tuyển chung: Liệu có bảo đảm công bằng? - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực 2024 do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức - Ảnh: N.T.

Theo dự kiến quy chế tuyển sinh năm 2025, các trường đại học buộc phải quy đổi tương đương các phương thức và tổ hợp xét tuyển về một thang điểm. Bộ GD-ĐT cho rằng điều này là bắt buộc để đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc quy đổi về một thang điểm và xét tuyển chung nhằm đảm bảo thí sinh được sắp xếp theo đúng năng lực nội tại, phẩm chất cốt lõi, đáp ứng yêu cầu từng chương trình đào tạo cụ thể.

Việc xét tuyển sẽ thực hiện lấy thí sinh từ cao xuống thấp để thấy sự công bằng hơn nữa giữa các thí sinh khi tham gia xét tuyển.

Thủ khoa chưa chắc... đậu đại học

Năm 2024, Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh 3 phương thức. Trong đó phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT được phân bổ 18% chỉ tiêu, xét tuyển kết hợp chiếm 80% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển kết hợp có nhiều cách xét tuyển, trong đó có sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trường cũng quy định công thức tính điểm quy đổi về thang điểm 30. Thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 129/150 điểm. Tính theo công thức quy đổi về thang 30, thủ khoa này đạt 25,8 điểm.

Tương tự, thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TP.HCM đạt 1.076 điểm và quy đổi đạt 26,9 điểm. Thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội đạt 96,43 điểm, quy đổi đạt 28,93 điểm.

Trong khi đó điểm chuẩn phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT đa số các ngành trên 27 điểm. Tất nhiên chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít nên điểm chuẩn cao. Theo cách xét tuyển năm nay, bỏ tất cả thí sinh vào một rổ để xét tuyển từ cao xuống thấp, ngay cả thí sinh thủ khoa các kỳ thi đánh giá năng lực cũng có nguy cơ rớt đại học.

Dĩ nhiên đây chỉ là giả định. Tuy nhiên cùng là thủ khoa có thể đậu vào bất kỳ trường đại học nào của đơn vị tổ chức thi nhưng khi quy đổi về thang 30 thì mỗi người có điểm số rất khác nhau.

Đó là chưa kể mỗi trường có mỗi công thức quy đổi khác nhau. Chẳng hạn thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024 khi quy đổi tại Đại học Kinh tế quốc dân đạt 25,8 điểm nhưng tại Trường đại học Ngoại thương lại đạt 28,74 điểm.

Ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng cách quy đổi cơ học khiến thí sinh thi đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế và SAT thiệt thòi, thậm chí không thể cạnh tranh suất vào ngành "hot" ở các trường.

Quy đổi có công bằng hơn?

Sự thiếu bình đẳng trong tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT nhắc đến trong nhiều năm qua. Và cách quy đổi về một thang điểm, xét tuyển chung là cách mà Bộ GD-ĐT cho rằng để có sự công bằng hơn giữa các thí sinh. Tuy nhiên điều này liệu có thực sự công bằng với tất cả thí sinh hay chuyển sự bất bình đẳng từ nhóm thí sinh này sang nhóm thí sinh khác?

Trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP.HCM cho rằng công bằng trong tuyển sinh là điều cần thiết nhưng việc quy đổi cơ học về cùng một thang điểm có nguy cơ dẫn đến sự thiệt thòi cho thí sinh xét tuyển các phương thức đánh giá năng lực.

"Mỗi kỳ thi có tính chất khác, kiến thức, mức độ phân loại khác nhau. Khi quy về một thang điểm, chẳng hạn thang 30 để xét chung với thí sinh sử dụng điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT sẽ không công bằng vì nó không cùng hệ quy chiếu. Hơn nữa, mức độ phân loại của đề thi tốt nghiệp không cao, thí sinh dễ đạt điểm xuất sắc, nhất là thí sinh xét tổ hợp văn - sử - địa" - ông này phân tích.

Đại diện nhiều trường đại học cũng cho rằng việc quy đổi này có vẻ khiên cưỡng nhưng dự kiến đây là quy chế nên phải tính toán để có cách quy đổi phù hợp nhất. 

Ông Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết thi tốt nghiệp và thi đánh giá năng lực hoàn toàn khác nhau, phổ điểm khác nhau. Do đó trường đang "đau đầu" tính toán, chạy dữ liệu các năm trước để xác định độ lệch chuẩn từ đó đưa ra công thức quy đổi phù hợp.

Ông Tô Văn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Nha Trang - cũng cho rằng việc quy đổi về một thang điểm cho tất cả các phương thức có vẻ hơi khiên cưỡng. Hệ quy chiếu không giống nhau, mỗi trường một cách quy đổi cũng không phải điều hay. Mặc dù vậy ông cũng cho rằng việc quy đổi về một thang điểm là cần thiết để có sự tương thích giữa các phương thức.

Tương tự, ông Cù Xuân Tiến cho biết hiện trường đang đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển các phương thức khác nhau để có hệ số quy đổi phù hợp. Cách quy đổi theo phần trăm mà nhiều trường đang áp dụng (điểm đánh giá năng lực/điểm cao nhất kỳ thi x 30) sẽ khiến thí sinh đánh giá năng lực bị thiệt thòi rất nhiều. 

Như vậy sự bất bình đẳng từ nhóm thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT của năm trước sẽ chuyển sang nhóm thí sinh xét điểm thi đánh giá năng lực trong năm nay.

Thang điểm do trường quyết định

Hiện nay, hầu hết các trường đều sử dụng thang điểm 30 để xét tuyển. Công thức quy đổi đa số các trường sử dụng (áp dụng từ năm 2024 trở về trước): điểm đánh giá năng lực x 30/điểm tối đa của kỳ thi.

Tuy nhiên ông Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng công thức này chưa thực sự đảm bảo công bằng bởi độ khó hai kỳ thi khác nhau, phổ điểm khác nhau.

Trường đại học Bách khoa sử dụng thang điểm 100 để xét tuyển với công thức quy đổi riêng. Thang điểm này do các trường quyết định. Ông Thắng cho biết dựa trên đối sánh kết quả các năm trước, năm nay trường sẽ điều chỉnh công thức quy đổi để công bằng hơn.

Nên có công thức chung

Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công Thương TP.HCM - cho biết việc quy đổi có vẻ sẽ thiếu công bằng với thí sinh xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực. Đó là chưa kể mỗi trường có thể có cách quy đổi khác nhau dẫn đến điểm quy đổi của cùng một thí sinh sẽ khác nhau.

"Bộ GD-ĐT nên tính toán và có công thức chung cho việc quy đổi này để sử dụng thống nhất" - ông Sơn đề xuất.

Quy đổi về một thang điểm và xét tuyển chung: Liệu có bảo đảm công bằng? - Ảnh 2.Xét tuyển đại học, cao đẳng 2024: Hoang mang khi hệ thống chung không có trường cao đẳng

Từ ngày 18-7 đến 17h ngày 30-7, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều thí sinh tá hỏa vì không thấy các mã trường cao đẳng ở đâu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên