Chính phủ vừa ban hành nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 115, trong đó quy định chi tiết về trình tự, thủ tục quy trình bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý.
Không hạn chế số lần bổ nhiệm lại hiệu trưởng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 quy định: hiệu trưởng chính thức không còn là công chức mà là viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý trường học hay còn gọi là viên chức quản lý.
Về tính chất của vị trí công tác, cả chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng trường công phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp nên đều phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; quyền và trách nhiệm của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng chỉ phát sinh sau khi có quyết định công nhận này.
Theo quy định mới tại nghị định 85, thời hạn giữ chức vụ quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 5 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.
Đáng chú ý, nghị định 115 quy định thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ viên chức quản lý không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp nhưng nghị định 85 không hạn chế số lần bổ nhiệm lại.
Điều này được hiểu là tại các cơ sở giáo dục công lập, vị trí chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng đều là viên chức quản lý, có thể được bổ nhiệm nhiều nhiệm kỳ, trừ các trường hợp có quy định khác của Đảng.
Quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, phải bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, của pháp luật và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương tối thiểu là 2 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ tương đương), trừ trường hợp được bổ nhiệm lần đầu.
Viên chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm.
Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định.
Viên chức bị kỷ luật trong thời gian giữ chức vụ thì không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn trong thời hạn theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý theo 5 bước
Nghị định 85 đã quy định rõ ràng hơn về trình tự, thủ tục cụ thể quy trình bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý.
Quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ gồm 5 bước; các hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.
Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1): trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, người đứng đầu chủ trì cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự; đồng thời tiến hành rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng nhân sự trong quy hoạch và thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở bước tiếp theo.
Bước 2: Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng: căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và danh sách nhân sự đã được thông qua ở bước 1, người đứng đầu trao đổi định hướng nhân sự bổ nhiệm phù hợp với yêu cầu của đơn vị để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2): trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Bước 4: Hội nghị cán bộ chủ chốt: tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt theo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3.
Bước 5: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3): trước khi tiến hành hội nghị, cơ quan, đơn vị có văn bản đề nghị ban thường vụ đảng ủy, chi ủy hoặc đảng ủy, chi bộ (những nơi không có ban thường vụ, chi ủy) đánh giá, nhận xét bằng văn bản về nhân sự; tiến hành xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự. Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận