09/07/2021 15:26 GMT+7

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ năm 2021 có gì mới?

T.D.V - PHẠM MẠNH HÙNG
T.D.V - PHẠM MẠNH HÙNG

Sau hơn 4 năm thực hiện quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT đã cho thấy một số quy định cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế triển khai tại các cơ sở đào tạo đại học.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ năm 2021 có gì mới? - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vì vậy, ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.

Những điểm thay đổi đáng chú ý của Thông tư 18/2021 so với Thông tư 08/2017

Thứ nhất, theo Quy chế cũ, nghiên cứu sinh (NCS) cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Tuy nhiên, Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn NCS là 4,0 và đối với đầu ra của NCS là 2,0.

Thứ hai, Quy chế mới bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ, theo đó minh chứng sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL theo quy định trước đây.

Thứ ba, Quy chế mới điều chỉnh tăng số lượng NCS được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 NCS; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 NCS; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 NCS. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 NCS được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 NCS. Theo quy định trước đây, số NCS tối đa hướng dẫn tương ứng là 5, 4 và 3.

Thứ tư, thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo của thực tiễn. Theo đó, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3 - 4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thiện các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm tùy tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định. Theo Qui chế trước đây, NCS không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn chỉ được xin gia hạn học tập không quá 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn luận án của NCS không được thông qua, kết quả học tập sẽ không được bảo lưu.

Thứ năm, phản biện độc lập đối với luận án có thể tiến hành 2 lần, tăng so với 1 lần so với quy định trước đây, nhằm đảm bảo NCS và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.

Một số đánh giá về những điểm mới của Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT

Trước hết, Quy chế mới tiếp tục giảm thiểu những nội dung hướng dẫn chi tiết mà tập trung vào yêu cầu cơ sở đào tạo cụ thể hóa quy trình và thủ tục. Theo đó, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cao hơn về việc tổ chức triển khai thực hiện, từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh và công nhận NCS, tổ chức đào tạo và cấp bằng.

Đối với tiêu chuẩn đánh giá luận án, việc chấp nhận các công bố trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt (đạt khung từ 0,75 điểm trở lên) sẽ là động lực để các tạp chí khoa học trong nước phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc công bố các kết quả nghiên cứu qua các tạp chí có uy tín trong nước sẽ giúp những sản phẩm khoa học có giá trị phù hợp với điều kiện của Việt Nam đến được với đông đảo người đọc trong nước, hạn chế việc NCS đăng tải các công trình nghiên cứu trên một số tạp chí hay hội thảo quốc tế kém chất lượng, có quy trình phản biện sơ sài như trong thời gian gần đây. Quy chế mới đánh giá các công trình trên cơ sở tổng điểm tương tự như khung quy chế của Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ tạo sự chủ động, bám sát chất lượng công bố kết quả nghiên cứu của NCS.

Cuối cùng, Quy chế mới tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt hơn cho cả cơ sở đào tạo và NCS trong quá trình tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ. Đối với cơ sở đào tạo, Quy chế mới điều chỉnh tăng số lượng NCS được hướng dẫn trong cùng một thời gian nhằm thu hút, tận dụng tri thức của những người đủ điều kiện đóng góp vào công tác nghiên cứu, đào tạo thế hệ tương lai. Đối với NCS, ngoài công nhận năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc, trong quá trình học, NCS được kéo dài thời gian bảo lưu kết quả học tập nếu có nhu cầu. Khi hoàn thiện luận án, NCS có thêm cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.

Với những điểm mới nêu trên, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở trong nước; phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, nhằm tạo lập niềm tin của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam.

Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ thị cấp bách phòng chống COVID-19 Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ thị cấp bách phòng chống COVID-19

TTO - Tối 28-1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có chỉ thị về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

T.D.V - PHẠM MẠNH HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên