22/07/2015 10:29 GMT+7

Quốc tế quan ngại hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Tối 21-7 (giờ VN), Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington tổ chức hội thảo Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy (bìa trái), một trong hai học giả của Việt Nam tham gia hội thảo - Ảnh: Twitter
Tiến sĩ Trần Trường Thủy (bìa trái), một trong hai học giả của Việt Nam tham gia hội thảo - Ảnh: Twitter

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia uy tín trong khu vực và giới học giả đến từ các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam có hai đại diện tham gia hội nghị lần này gồm tiến sĩ Trần Trường Thủy (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) và Phạm Lan Dung, trưởng khoa luật quốc tế Học viện Ngoại giao.

Hội thảo kéo dài một ngày, tạo diễn đàn cho các chuyên gia và học giả thảo luận, nghiên cứu sâu về các lựa chọn chính sách của Mỹ và châu Á đối với vấn đề Biển Đông.

Trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Các diễn biến gần đây ở Biển Đông”, các diễn giả trình bày ý kiến về việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại Tòa án trọng tài của Liên Hiệp Quốc ở The Hague, quan ngại của cộng đồng quốc tế về các hoạt động bồi đắp đảo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông và vai trò của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực.

Hi vọng Philippines thắng kiện

Mở đầu phát biểu, nhà báo Bill Hayton của BBC cho biết ông kỳ vọng Philippines sẽ thắng kiện Trung Quốc ở bất cứ điểm khiếu kiện nào liên quan vấn đề Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy cho rằng nếu tòa án không có thẩm quyền đối với vụ kiện của Philippines thì đó sẽ là một “thảm họa” đối với ASEAN.

“Nếu tòa án phán quyết có lợi một phần hay toàn phần cho Philippines, việc này có thể khuyến khích các nước khác thực hiện vụ kiện tương tự” - tiến sĩ Thủy nói.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia kỳ cựu của CSIS, lại cho rằng việc Philippines đưa những yêu sách tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc đến tòa án quốc tế là việc làm lý tưởng nhưng không có tính thực tế.

“Trung Quốc có quyền không tham gia vụ kiện do Philippines khởi xướng. Dù phán quyết của tòa mang tính chất ràng buộc nhưng không thể thực thi” - bà Glaser giải thích.

Tiến sĩ Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, gọi việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế chính là một ví dụ cho thấy Manila có các hành động đơn phương.

Quan ngại lan rộng

Nhà báo Bill Hayton cho biết sự quan ngại về tình hình an ninh ở Biển Đông đã lan truyền đến các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Úc. Thậm chí Nhật Bản còn cung cấp tàu cho Philippines. Theo nhà báo Bill Hayton, thậm chí trong tuyên bố chung với Mỹ, Ấn Độ cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông.

“Malaysia cũng đã thay đổi quan điểm giữ im lặng về vấn đề Biển Đông như họ đã làm trước đây. Các quốc gia Đông Nam Á có thể không nói vấn đề Biển Đông một cách công khai, nhưng họ đạt được tiếng nói chung một cách bí mật” - ông Bill Hayton tiết lộ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Wu Shicun cáo buộc hành động Mỹ do thám và tuần tra gần quần đảo Trường Sa gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, cùng việc Mỹ hợp tác quân sự với Nhật Bản và Việt Nam cho thấy nước này muốn kiềm chế Trung Quốc.

Ông Wu nói Trung Quốc phản đối mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nhật Bản và Philippines nếu mối quan hệ này làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Diễn giả Trung Quốc cho rằng việc ngăn chặn Nhật Bản can thiệp vấn đề Biển Đông là một điều vô cùng cần thiết.

Ông Wu đổ rằng sự tiến triển chậm trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là do sự phức tạp của nhiều vấn đề. Ngoài ra, việc Nhật Bản can thiệp vào Biển Đông là một vấn đề hoàn toàn khác vì Nhật Bản có ý định kiềm chế Trung Quốc và muốn gây rối.

Ông Wu kêu gọi ASEAN và Trung Quốc phải tuân theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cần phải có cơ chế tham vấn.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy nói đối với ASEAN, một Biển Đông được quốc tế hóa có thể tạo nhiều ảnh hưởng và phần lớn các quốc gia trong ASEAN không đứng vào phe nào.

Trước câu hỏi chất vấn từ một cử tọa “Tại sao các nước khác có hoạt động mở rộng đảo tương tự nhưng chỉ mình Trung Quốc bị chỉ trích?”, tiến sĩ Thủy cho biết hoạt động cải tạo đất của những nước khác vì mục đích tự vệ chứ không phải tấn công.

Tiến sĩ Thủy nhận định hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc làm gia tăng khả năng nước này thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Bà Bonnie Glaser cho biết nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ thì có thể gây ra các tai nạn hàng không.

Đường băng của Trung Quốc đặt Mỹ vào tình trạng nguy hiểm

Bà Bonnie Glaser cho rằng các đường băng của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo có thể đặt Mỹ vào tình trạng nguy hiểm trong thời bình.

Bà cũng đồng ý với quan điểm của tiến sĩ Trần Trường Thủy cho rằng hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc gây nguy hại cho hệ sinh thái và môi trường.

Bà cho rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn ở biển Đông hiện tại.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên