09/05/2021 06:50 GMT+7

Quốc lộ 51 ám ảnh tài xế như thế nào?

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Kẹt xe kinh hoàng trên khắp các tuyến đường từ TP.HCM đi các tỉnh trong dịp lễ vừa qua là lời nhắc nhở về thực tế giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế phía Nam. Tăng tốc tìm vốn cho cầu đường vùng này: còn chờ bao giờ nữa?

Quốc lộ 51 ám ảnh tài xế như thế nào? - Ảnh 1.

Trên quốc lộ 51 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc các phương tiện giao thông qua đây - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ngày 30-4, gia đình tôi đi ôtô từ TP.HCM về Vũng Tàu trên quốc lộ 51. 100km nhưng mất 6 giờ đồng hồ. Ngày thường, tôi cũng thường đi xe qua đây, lắm lúc cuối tuần trạm thu phí mở 4-5 làn xe vẫn không giải tỏa được, nhiều khi phải xả trạm. Bạn tôi chở hải sản từ cảng cá Vũng Tàu về TP.HCM chia sẻ rằng luôn bất an, nhiều lần bị kẹt xe nên không kịp giao hàng.

Tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51 đang là nỗi ám ảnh với giới tài xế. Theo thống kê, chỉ trong năm 2020 có 93 vụ tai nạn giao thông làm 39 người chết, 82 người bị thương, hàng trăm xe hư hỏng. Trong dịp lễ 30-4 rồi, có gần 50.000 lượt xe/ngày đêm qua trạm thu phí trên đường này.

Có thể thấy cách thức tổ chức giao thông chưa phù hợp khi có quá nhiều vị trí rẽ trái và quay đầu xe giao cắt với các tuyến nhánh đường 80, 81, 965, Nguyễn Văn Tỏ, Bến Gỗ, khu vực chợ Phước Hòa, Phước Thái, Mỹ Xuân, Khu công nghiệp Phú Mỹ... 

Hành lang an toàn tuyến bị thu hẹp, vỉa hè và lòng đường nhiều nơi bị lấn chiếm để buôn bán, đậu đỗ xe trái quy định, tự ý phá dải phân cách để đấu nối vào quốc lộ 51 để đi lại cho thuận tiện. Điều này khiến cho tình trạng giao thông ở đây luôn căng thẳng, bất an, khó kiểm soát.

Quốc lộ 51 có xe đổ dồn từ các hướng trong khi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chia sẻ giao thông với quốc lộ này sau nhiều năm quy hoạch chưa thể triển khai. Đây là trục vận chuyển cho vùng Đông Nam Bộ kết nối hệ thống cảng với đường bộ. Lợi thế giao thông chưa thể phát huy hết tác dụng, tiềm năng do quá tải đường bộ. Sự ùn tắc làm tăng chi phí logistics, thất thế trong thu hút xuất nhập khẩu và cạnh tranh.

Giải pháp nào cho tình trạng này? Xây cầu vượt và hầm chui có thể là cần nhưng chưa hẳn giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, kẹt xe, tai nạn giao thông trên quốc lộ 51. Tránh tình trạng xử lý xong điểm này lại xảy ra ùn tắc, kẹt xe ở điểm khác.

Giải pháp hiệu quả lâu dài chỉ có cách khác là giảm lượng xe qua quốc lộ 51. Do vậy, cấp thiết đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hiệu quả hơn. Dự án này sẽ góp phần kết nối thuận lợi giao thông với các trục đường chính trong khu vực, liên kết vùng, phát huy hiệu quả thế mạnh và tiềm năng vận tải đường thủy, trong đó có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Bình Thuận - Hiệp Phước.

Vừa qua, tuyến đường này được gắn 89 camera từ phường 12 (TP Vũng Tàu) tới Khu công nghiệp Mỹ Xuân (thị xã Phú Mỹ) giúp giám sát, xử lý vi phạm và phạt "nguội". Nên lắp đặt đồng bộ hệ thống camera trên quốc lộ này phía huyện Long Thành (Đồng Nai) để ghi lại bằng hình ảnh biển số xe vi phạm giao thông.

Cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường để buôn bán, đậu đỗ xe trái quy định. Đồng thời, hạn chế cho rẽ trái và quay đầu xe tại các điểm giao cắt sẽ bớt xung đột với dòng phương tiện đi thẳng.

Chờ vốn bao năm nữa?

ketgiay

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nơi tiếp giáp với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận liên tục bị kẹt xe - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Phía Nam có khoảng 10 tuyến cao tốc, trong đó có 8 tuyến kết nối với TP.HCM, đến nay chỉ mới đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến cao tốc là TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, không đủ sức gánh lượng xe cho cả khu vực. Quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường kết nối nhỏ hẹp, xuống cấp chưa được nâng cấp, mở rộng.

Cao tốc quy hoạch nhiều nhưng chậm đầu tư, triển khai ì ạch, khởi công rồi trì hoãn. Ngoài lý do thiếu vốn còn có nguyên nhân chậm tháo gỡ các vướng mắc, trở ngại chỉ vì công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước.

Như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận giậm chân tại chỗ đến 10 năm. Cầu Rạch Miễu nhỏ hẹp quá tải, sau bao năm có cầu giờ phải tăng cường phà trong khi cầu Rạch Miễu 2 vẫn đang chờ vốn. Người miền Tây còn khổ vì cầu, đường bao năm nữa với những trì trệ, chậm trễ của các dự án? Tuyến Bến Lức - Long Thành vẫn đang dở dang. Tuyến đường cao tốc đông tây bao giờ xong để đi lại đỡ khổ, thông thương hàng hóa và phát triển kinh tế?

Nếu tháo gỡ các trở ngại về cơ chế chính sách, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư sẽ không lo thiếu vốn làm cao tốc. Trong số 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế trước đó đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, có đến 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong nước tham gia.

Luật PPP được Quốc hội thông qua đã hơn nửa năm, kỳ vọng thu hút nguồn lực ngoài ngân sách phát triển hạ tầng, trong đó có dự án giao thông. Cần giải pháp "đột phá" để thu hút đầu tư cho giao thông, cần bỏ các kiểu "xin cho". Với các dự án PPP, nên bảo lãnh doanh thu để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, Nhà nước có thể tổ chức thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng.

Phát triển hạ tầng giao thông phía Nam, mỗi địa phương nên chủ động đầu tư các dự án thuộc địa bàn quản lý. Với các tuyến đường kết nối liên vùng như cao tốc cần sự ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực tài chính từ trung ương, phân bố kinh phí phù hợp với mức đóng góp cho ngân sách của vùng, có vốn nhà nước để còn xúc tiến nhanh vốn đầu tư cho hệ thống cao tốc và cầu đường bộ. Dự án nào trì trệ kéo dài gây lãng phí cần xử lý trách nhiệm các bên.

NGỌC THANH

Từ TP.HCM đến Vũng Tàu mất 5 tiếng, quốc lộ 51 phải xả trạm thu phí Từ TP.HCM đến Vũng Tàu mất 5 tiếng, quốc lộ 51 phải xả trạm thu phí

TTO - Từ chiều tối 29 và sáng 30-4, du khách từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông bắt đầu đổ về Vũng Tàu nghỉ lễ. Xe cộ qua quốc lộ 51 tăng đột biến, trạm thu phí phải xả trạm để đảm bảo lưu thông.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên