27/02/2016 09:51 GMT+7

Quốc hội là một trường học lớn

MAI HƯƠNG thực hiện
MAI HƯƠNG thực hiện

TT - Bà Trần Thị Diệu Thúy - 38 tuổi, bí thư Quận ủy quận Gò Vấp, nguyên phó bí thư Thành đoàn TP.HCM - đã chia sẻ, phân tích thuận lợi, khó khăn, những cái được, mất của một người trẻ khi tham gia Quốc hội.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Ảnh: Quang Định
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Ảnh: Quang Định

Bà Diệu Thúy hiện là đại biểu trẻ tuổi nhất của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIII. Bà nói:

- Khi bầu cử Quốc hội khóa XIII, nhiều người không nghĩ một người trẻ như tôi sẽ trúng cử. Khi trúng cử rồi nhiều người vẫn không tin tôi có thể đảm đương tốt vai trò, hay đơn giản hơn là có thể phát biểu chuyện gì ra tấm ra miếng tại diễn đàn Quốc hội.

Mà quả thật, thời gian đầu đại biểu Quốc hội trẻ đều gặp những khó khăn như không có kinh nghiệm, không biết phải phát biểu điều gì, phát biểu như thế nào... dù trước khi ứng cử và sau khi trúng cử chúng tôi cũng được tham gia một số lớp tập huấn.

Phải đến năm thứ hai của nhiệm kỳ tôi mới thật sự đảm nhận nhiệm vụ một cách tự tin. Tôi hiểu với những bạn trẻ, nhất là những bạn chưa có kinh nghiệm hoặc chí ít là chưa trải nghiệm các hoạt động cộng đồng, thì sự bỡ ngỡ sẽ càng lớn hơn.

* Bà có thể kể về lần đầu tiên phát biểu tại nghị trường Quốc hội của mình?

- Tôi nhớ bài phát biểu đầu tiên của mình liên quan đến lĩnh vực xuất bản. Để chuẩn bị nội dung này, trước khi diễn ra kỳ họp, tôi phải dành thời gian đi nghe nhiều hội nghị góp ý dự thảo luật, lắng nghe ý kiến chuyên gia, người trong ngành, tham khảo ý kiến của các anh chị có kinh nghiệm.

Sau đó tôi trực tiếp đi gặp các giám đốc nhà xuất bản để nghe họ nói. Lắng nghe kỹ rồi mới rút ra ý kiến, quan điểm của mình về từng vấn đề. Nhiều người nghĩ làm đại biểu Quốc hội chỉ là đi họp và phát biểu ý kiến.

Nhưng để có ít phút phát biểu tại Quốc hội, khâu chuẩn bị phải kỹ lưỡng, nghiêm túc thì ý kiến của mình mới có trọng lượng và có khả năng được tiếp thu. Để bảo vệ quan điểm, phải thu thập số liệu, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn thì tiếng nói của mình mới có trọng lượng.

Ngay cả kỹ năng đặt vấn đề, phong cách trình bày ý kiến, đặt câu hỏi chất vấn cũng là những điều phải học hỏi và hoàn thiện từng chút một. Thời gian ngoài các kỳ họp thì tham gia giám sát, tiếp công dân - tất cả những việc này đều phải có kỹ năng.

* Như vậy theo bà, một người trẻ ra ứng cử Quốc hội sẽ có thế mạnh gì và khó khăn gì?

- So với các ứng viên lớn tuổi, có thể các bạn trẻ sẽ không thể so sánh được với họ về kinh nghiệm, uy tín, sự chuyên nghiệp, sự am hiểu. Nhưng các bạn lại có ưu thế là tuổi trẻ, sự mới mẻ, năng động, nhiệt huyết.

Kinh nghiệm từ chính bản thân tôi cho thấy người dân vẫn luôn dành sự ưu ái và đặt niềm tin vào lớp trẻ. Nếu các bạn thể hiện được những phẩm chất đó, cộng với trình độ, khả năng của mình thì hoàn toàn có thể được tín nhiệm.

Nhưng các bạn trẻ cũng nên ý thức rõ: làm đại biểu Quốc hội không phải là một cuộc chơi để khẳng định cá nhân. Đây là một cơ hội để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Đó không phải là quyền lợi, là chức vụ mà là trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

* 5 năm ngồi ghế đại biểu Quốc hội, bà thấy mình mất gì, được gì?

- Để làm tốt vai trò đại biểu dân cử, dĩ nhiên phải mất tâm sức, mất thời gian. Nhưng tôi cảm thấy được nhiều hơn mất. Với tôi, Quốc hội như một trường học lớn. Năm năm ở Quốc hội giống như một chương trình học nâng cao.

Những điều học được ở Quốc hội không trường lớp nào có thể dạy mình, giúp mình có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về những vấn đề của xã hội, của đất nước.

Như bản thân tôi khi chuyển từ công tác Đoàn sang công tác ở cơ sở, trong giải quyết công việc tôi thấy mình có xu hướng nghiêng về ý chí, nguyện vọng của người dân, mình nhìn được người dân cần gì, mong muốn điều gì. Có lẽ một phần đó cũng từ những điều mình tích lũy được trong thời gian làm đại biểu nhân dân.

MAI HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên