20/10/2014 06:04 GMT+7

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8: Cử tri chờ quyết sách mới

LÊ KIÊN - HOÀNG ĐIỆP ghi
LÊ KIÊN - HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Trò chuyện với Tuổi Trẻ trước kỳ họp Quốc hội, các đại biểu và nguyên đại biểu Quốc hội cho biết đến với kỳ họp này cùng nỗi bận tâm về nợ quốc gia và tham nhũng.

* Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM):

Tôi quan tâm 4 vấn đề nóng

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng

Trước hết phải khẳng định đến thời điểm này tình hình kinh tế vĩ mô của chúng ta đã tương đối ổn định, không bị rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Môi trường đầu tư mặc dù trải qua sóng gió do ảnh hưởng của đình công, đập phá hồi tháng 5 đã dần lấy lại được sự tin tưởng của các nhà đầu tư và họ hi vọng môi trường đầu tư sẽ được cải thiện tốt hơn nữa.

Tuy vậy, có mấy vấn đề nóng hổi tôi rất quan tâm: Thứ nhất là tình trạng nợ xấu, nợ công đang đè nặng lên sức chịu đựng và sự phát triển của chúng ta.

Thứ hai, sự lệ thuộc của nền kinh tế chúng ta vào nền kinh tế Trung Quốc.

Thứ ba, tình trạng tham nhũng chưa ngăn chặn được, có dấu hiệu nhờn thuốc. Thứ tư, tái cơ cấu dường như chưa có chuyển biến đáng kể, sau hơn nửa nhiệm kỳ mô hình tăng trưởng cơ bản vẫn như cũ.

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vừa xây dựng xong đã nứt, người ta trả lời do nền đất yếu. Chẳng lẽ các nước khác không có nền đất yếu
Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Những vấn đề đó đặt ra cho Chính phủ và Quốc hội phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các nút thắt của nền kinh tế thì mới tạo chuyển biến mới được, đặc biệt là bước sang năm 2015 chúng ta hội nhập sâu hơn vào cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như đang đàm phán để ký kết TPP.

Lâu nay sau khi ra nghị quyết thì tạm thời Quốc hội nghỉ, coi như xong việc và khoán lại cho các cơ quan của Chính phủ. Nhưng các cơ quan Chính phủ lại phải đánh vật với những công việc điều hành hằng ngày, trong khi đó những vấn đề chiến lược của tái cơ cấu không giải quyết căn bản được.

Ví dụ, chúng ta nói đến nợ nần và hiệu quả đầu tư công thì vấn đề của VN là hiệu quả kém và chất lượng kém. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vừa xây dựng xong đã nứt, người ta trả lời do nền đất yếu.

Chẳng lẽ các nước khác không có nền đất yếu, đó là do mình kém hơn người ta chứ đâu phải do nền đất yếu. Rõ ràng, Quốc hội cần tập trung thời gian làm rõ các bài toán tổng thể về tính hiệu quả của nền kinh tế.

* Đại biểu LÊ NAM (Thanh Hóa):

Người dân đang “nín thở”

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng

Có quá nhiều vấn đề nóng hổi của đất nước đang được cử tri đặt ra và quan tâm.

Theo báo cáo của Chính phủ thì có những chuyển biến, như tăng trưởng đạt mục tiêu. Nhưng nhìn thẳng vào hiện thực, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi mới tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri là doanh nhân, doanh nghiệp ở Thanh Hóa, có Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI) Vũ Tiến Lộc cùng tham dự, thấy rằng những khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa có lời giải, đó là khó khăn về vốn, thị trường, về thủ tục hành chính vẫn là rào cản.

Số doanh nghiệp “chết”, ngừng hoạt động vẫn nhiều hơn số doanh nghiệp được khai sinh. Từ đó cho thấy chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu tái cấu trúc nền kinh tế. Trong nông nghiệp cứ mãi loay hoay với câu hỏi cây gì, con gì? Làm nông nghiệp lỗ nên nhiều nông dân mới bỏ ruộng.

Với ngư nghiệp, chính sách vừa qua đưa ra rất hay, 16.000 tỉ đồng là số tiền không nhỏ, nhưng chính sách này mới chỉ phát huy ở một vài nơi thí điểm. Còn lại với đại bộ phận ngư dân, để đóng tàu, để ra khơi, để phát triển dịch vụ nghề cá... thì vẫn chỉ dừng lại ở hi vọng về chính sách.

Theo báo cáo của Chính phủ thì có những chuyển biến, như tăng trưởng đạt mục tiêu. Nhưng nhìn thẳng vào hiện thực thì nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn
Ông LÊ NAM

Về xã hội, chẳng hạn như đổi mới giáo dục chưa đem lại niềm tin cho nhân dân, mọi người vẫn đang “nín thở” chờ đợi quyết sách tới đây thay đổi thế nào: thi cử ra sao, sách giáo khoa thế nào, phân cấp phân tầng đến đâu?

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, như Chủ tịch nước vừa nói dân bức xúc là đúng vì chưa có chuyển biến. Vấn đề nợ công đang nổi lên rất đáng lo ngại, thu hút sự quan tâm của dư luận. Chính phủ nói vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng năm 2015 dự báo nợ công bằng 64% GDP rồi.

Với cách vay như thế, tiêu xài như thế, Chủ tịch Quốc hội nói rằng ăn hết thì lấy gì mà đầu tư, vậy ai kiểm soát? Nếu nợ công vượt trần 65% GDP thì làm thế nào, có nới trần để vay tiếp không, ai quyết và ai chịu trách nhiệm?

Tôi xin nói thật nếu nhỡ chuyện gì xảy ra thì đất nước lãnh hậu quả chứ những người có chức sắc, ví dụ đại biểu Quốc hội như tôi, chắc về trách nhiệm cũng chẳng bị làm sao, trừ lương tâm mình cắn rứt.

Điều mong đợi của chúng tôi là Chính phủ phải trình và Quốc hội phải làm rõ được những bài toán cụ thể. Hiệu quả, kết quả của chính sách phải đo đếm được trong đời sống của nhân dân.

* Nguyên đại biểu NGUYỄN THỊ HOÀI THU:

Mong đại biểu lắng nghe cử tri

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Theo dõi nội dung chương trình kỳ họp thấy có xem xét thông qua 18 dự án luật và cho ý kiến 12 dự án luật khác.

Đây là con số kỷ lục với một kỳ họp Quốc hội và bởi vậy, nhiệm vụ của đại biểu là rất nặng và phải tập trung trí tuệ rất cao khi vừa phải thông qua nghị quyết vừa thông qua luật dù thời gian họp cũng kỷ lục.

Thứ nhất, tôi rất thông cảm, chia sẻ với các đại biểu bởi số đại biểu kiêm nhiệm rất nhiều, trong đó số đại biểu là thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cũng đông, bởi vậy khi ngồi ở Quốc hội thì không yên tâm ở địa phương, mà ở địa phương lại không yên tâm Quốc hội.

Nhưng tôi mong rằng các đại biểu làm việc nào thật tốt việc đó, nếu không thì cả hai đều không tốt.

Thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn giữ ba hình thức, tôi hơi băn khoăn, bởi nếu đã theo nghị quyết trung ương thì đảng viên phải chấp hành là đương nhiên, nếu như vậy tại sao lại không tính toán kỹ để đưa vào Hiến pháp năm 2013. Vì Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung theo nghị quyết 51 của Quốc hội với hình thức bỏ phiếu tín nhiệm chứ không có lấy phiếu.

Vấn đề nợ công được cả báo chí và các tổ chức quốc tế phản ánh gây lo lắng cho nhân dân, bởi nợ công do nhân dân trả
Bà NGUYỄN THỊ HOÀI THU

Thứ ba, đây là kỳ họp cuối năm rất quan trọng ở chỗ Quốc hội phải xem xét báo cáo của Chính phủ cuối năm về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, ngân sách thì việc đầu tư thời gian cho việc đó rất cao vì trong tình hình đất nước hiện nay, vấn đề nợ công được cả báo chí và các tổ chức quốc tế phản ánh gây lo lắng cho nhân dân, bởi nợ công do nhân dân trả.

Thứ tư, mấy hôm nay theo dõi tiếp xúc cử tri của các đại biểu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng... mà báo chí nêu, tôi thấy cử tri nói rất mạnh dạn và tâm huyết. Tôi mong muốn đại biểu lắng nghe ý kiến của cử tri.

LÊ KIÊN - HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên