Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin về chương trình kỳ họp - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ diễn ra trong hai đợt từ ngày 20-10 đến ngày 13-11.
Báo cáo về chương trình kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, kỳ họp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Để đề phòng trong trường hợp dịch bệnh cả nước diễn biến phức tạp, chương trình kỳ họp cũng dự phòng Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Có thể họp trực tuyến cả kỳ
Tổng thư ký Quốc hội cho hay, do đợt đầu kỳ họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, nên việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp sẽ đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm.
Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm, dự phòng thêm phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.
Theo đó, nội dung kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật.
Kỳ họp cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo kiến nghị của cử tri, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế...
Vẫn duy trì hoạt động chất vấn để giám sát
Góp ý từ các đoàn đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp bằng hoạt động "lắng nghe hiến kế của nhân dân" thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, theo tổng thư ký Quốc hội, thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình; việc phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các vị đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của nhân dân và cử tri đến với Quốc hội.
Trong khi đó, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ, để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…
Vì vậy, trong chương trình kỳ họp dự kiến vẫn sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra tại kỳ họp tập trung vào tháng 11.
Theo tổng thư ký Quốc hội, đến nay đã nhận được 59 nhóm vấn đề của các đoàn đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm căn cứ chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung khổ kế hoạch của năm 2022.
Nhấn mạnh tinh thần là tiếp tục đổi mới, rút ngắn thời gian kỳ họp, nhưng ông Vương Đình Huệ lưu ý phải đảm bảo chất lượng cao nhất để sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các quyết sách đúng nhất.
Nội dung trình Quốc hội vừa qua có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm qua nhiều vòng, nhiều lớp giữa các cơ quan, nhất là sự chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở các phiên họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận