Bác sĩ thăm khám cho bà T. sau khi nội soi tán sỏi và lấy ống nhựa khỏi cơ thể - Ảnh: B.A.
Trước đó ngày 18-9, bệnh viện tiếp nhận bà L.T.T. (59 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng đau âm ỉ vùng hạ vị, tiểu khó, tiểu ra máu...
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện trong cơ thể bà T. có một ống sonde bằng nhựa (sonde JJ) trong cơ thể. Trong đó, đầu dưới của ống nhựa đã tích tụ một viên sỏi to khoảng bằng quả trứng gà, dọc thân ống nhựa có rất nhiều viên sỏi nhỏ bám xung quanh. Bà T. được chỉ định mổ nội soi để xử lý viên sỏi bàng quang và rút ống nhựa khỏi cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Phước, phó khoa ngoại thận - tiết niệu Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết quá trình phẫu thuật nội soi gặp rất nhiều khó khăn do ống nhựa nằm trong cơ thể bệnh nhân lâu, có rất nhiều sỏi bám xung quanh, cứng như kim loại.
Ngoài ra, các viên sỏi bám dính rất nhiều vào niêm mạc niệu quản nên chỉ cần một chút sơ sót thì có thể gây thủng hoặc đứt niệu quản, dẫn đến rất nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Ống nhựa trong cơ thể bà T, đầu dưới của ống nhựa đã tích tụ một viên sỏi to khoảng bằng quả trứng gà - Ảnh: N.P.
Kíp mổ đã rất tỉ mỉ tán nhỏ những viên sỏi bám xung quanh bằng laser, sau đó rút ống nhựa ra ngoài. Sau khoảng một giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công. Đến nay, sức khỏe của bà T. đã hồi phục gần như hoàn toàn và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Trao đổi với các bác sĩ, bà T. cho biết khoảng 4 năm trước bà phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản trái tại một bệnh viện ở TP.HCM. Sau phẫu thuật, bà T. được các bác sĩ đặt một ống sonde bằng nhựa vào lòng ống niệu quản.
Thông thường, khoảng 2-4 tuần sau mổ các bác sĩ dùng thủ thuật để lấy ống nhựa này ra. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, do thấy hết đau, không khó chịu nên bà T. đã "quên" luôn lịch hẹn với bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận