Bà con đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM được tỉnh này bố trí xe đón về quê - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 24-7, chính quyền tỉnh Quảng Nam cho biết 10 chuyến xe được tỉnh bố trí đã đón hơn 400 người dân là lao động khó khăn, thất nghiệp, không có nhà ở, người già, phụ nữ có thai, trẻ em... ở TP.HCM về quê nhà Quảng Nam, số lượng này còn gia tăng trong những ngày tiếp theo.
Đón về rồi, sau đó thì sao? Tỉnh có những kế sách, giải pháp gì để hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho bà con, sống được ngay chính quê hương mình, nhất là phía Nam tình hình dịch bệnh đang bùng phát dữ dội?
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, trong đợt đầu này, tỉnh dự kiến đón 800 người, rồi đánh giá, rút kinh nghiệm và nghiên cứu phương án vận chuyển tiếp theo.
Ông Thanh cho biết trước mắt làm sao cho bà con về an toàn, ổn định lại đời sống. Sau đó tỉnh sẽ đánh giá lại, xem nguyện vọng của người dân.
Những người trong độ tuổi lao động, có các ngành nghề phù hợp có thể chuyển đổi được thì thực hiện việc chuyển đổi.
Những ngành nghề nào tiếp tục có thể vào được các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở tỉnh phù hợp với thì tỉnh sẽ xem xét làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ vào làm việc. Đánh giá lại lượng lao động về lần này, xem người ta phù hợp với lĩnh vực nào, địa bàn cư trú ở đâu.
"Tôi giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ tiếp cận công việc một cách phù hợp nhất, vừa giải quyết công ăn việc làm trước mắt, vừa đảm bảo tính lâu dài. Quan trọng là cho họ sự thích nghi ở môi trường mới khi khi từ TP.HCM, một đô thị rất lớn về địa phương. Tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tham gia", ông Thanh khẳng định.
Ông Lê Trí Thanh thăm, động viên người dân được đón về tại khu cách ly - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo ông Thanh, tỉnh hiện nay đang có nhiều chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Các sản phẩm này không yêu cầu lao động có tay nghề cao như các doanh nghiệp lớn, người dân có thể vào để tham gia làm từng công đoạn ở các doanh nghiệp khởi nghiệp, sản xuất các sản phẩm OCOP.
Khoảng 6.000 - 7.000 người Quảng Nam đăng ký về quê
Ông Mai Phúc - chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM - cho biết để đón bà con về, Hội đồng hương gặp rất nhiều khó khăn, do TP.HCM là địa bàn rộng, bà con sống khắp nhiều nơi. Anh phải phải tìm, xác minh đúng đối tượng. khi lập danh sách xong, chuẩn bị đưa về thì có một số người dương tính với COVID-19, sống ở khu phong tỏa, cách ly nên giờ chót không thể về.
Đến giờ có khoảng 6.000 - 7.000 người dân đăng ký qua Hội động hương có nguyện vọng về quê, con số này tiếp tục tăng trong những ngày tới. "Thấy bà con được về quê, anh em vui lắm. Bà con trong này quá khó khăn, không còn sự lựa chọn nào hết mới về, chứ thực sự không ai muốn đâu", ông Phúc tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận