19/08/2013 13:47 GMT+7

Quan Trung Quốc chặn tiền nông dân

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Chính sách trợ giá của Chính phủ Trung Quốc đã bị 110 quan chức và nhân viên thuộc Công ty Kho lương thực tỉnh Hà Nam trục lợi hàng trăm triệu USD.

Tuần san Liễu Vọng ngày 17-8 đã đăng tải toàn bộ vụ việc.

HXicGbcB.jpgPhóng to
Quan tham Lý Trường Hiên (phải) trong một đợt khảo sát tại Công ty thực phẩm Trường Cử Hà Nam - Ảnh: Trang web Công ty thực phẩm Trường Cử Hà Nam

Theo tờ Liễu Vọng, tạp chí của Tân Hoa xã, các vụ ăn chặn bắt đầu được đưa ra ánh sáng khi Kiều Kiến Quân - chủ nhiệm kho Châu Khẩu, trực thuộc Công ty Kho lương thực Hà Nam - bị phát hiện cuỗm 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 49 triệu USD) và trốn chạy ra nước ngoài. Theo Viện Kiểm sát tỉnh Hà Nam, từ tháng 6-2009 đến tháng 7-2011 Kiều Kiến Quân đã câu kết với các doanh nghiệp lợi dụng chính sách trợ giá lương thực của chính phủ để mua bán khống lương thực.

Không thoát được như Kiều Kiến Quân, 110 người, trong đó bao gồm 81 quan chức và nhân viên từ thủ trưởng, kế toán cùng 26 chủ nhiệm kho trực thuộc Công ty Kho lương thực Hà Nam đã dần sa lưới. Đứng đầu danh sách các quan chức ngã ngựa lần này, mà tờ Liễu Vọng gọi là “lũ chuột”, là Lý Trường Hiên, tổng giám đốc Công ty Kho lương thực Hà Nam, cùng bà Dương Hoành Kiệt, cấp phó và cũng là tình nhân của ông Lý. Giữa tháng 7-2013, Tòa án tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt Lý Trường Hiên mức án chung thân vì tội tham ô và nhận hối lộ.

Dùng mọi thủ đoạn

Theo chính sách, ban hành từ năm 2006, khi giá lương thực trên thị trường giảm xuống dưới mức giá sàn do chính phủ quy định, nhà nước sẽ mua lại cho nông dân bằng giá sàn, đồng thời bán ra bằng mức giá thị trường nhằm bình ổn giá cả.

Lợi dụng chính sách trên, Lý Trường Hiên lập sổ sách bán khống số lương thực trong kho theo giá thị trường (lúc đó thấp hơn giá sàn) cho các doanh nghiệp, sau đó mua lại với giá đã được trợ giá. Việc buôn bán chỉ diễn ra trên giấy tờ, và trên thực tế số lương thực trên vẫn yên vị trong kho. Số tiền chênh lệch sẽ chảy thẳng vào túi của Lý cùng tay chân.

Theo điều tra của Viện Kiểm sát tỉnh Hà Nam, trong 51 kho của Công ty Kho lương thực Hà Nam có đến 35 kho tiến hành mua bán khống. Tổng số lương thực mua bán khống khoảng 1,4 triệu tấn. Lý và tay chân trục lợi khoảng 700 triệu nhân dân tệ (114,5 triệu USD).

Trong 12 năm lãnh đạo Công ty Kho lương thực Hà Nam, Lý đã biến nơi đây thành “ao nhà” và tự tung tự tác. Ngoài việc mua bán khống, Lý còn nhận hối lộ của 65 người, trong đó 25 người là cấp dưới của Lý. Một thuộc cấp, từng hối lộ Lý trên 10 lần, cho biết quyền lực của Lý quá lớn, khó lòng làm ăn nếu không quà cáp cho ông ta. Dịp lễ tết là thời gian để vợ và các tình nhân của Lý tha hồ hốt bạc.

Ngoài ra, Lý Trường Hiên còn nhận tiền từ những thương lái và doanh nghiệp muốn đứng vào danh sách trợ giá của chính phủ. Số tiền Lý nhận hối lộ lên đến hơn 14 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,3 triệu USD).

Ngoài Lý Trường Hiên nhận mức án tù chung thân, cấp phó đồng thời cũng là tình nhân của Lý là bà Dương Hoành Kiệt cùng gần 100 quan chức, nhân viên kho lương thực cũng đứng trước vành móng ngựa. Vợ và một tình nhân khác của Lý cũng lãnh án 7-8 năm tù vì tội tiếp tay hối lộ.

43P9LTsJ.jpgPhóng to
Nông dân Trung Quốc vẫn lam lũ bên những khu đô thị giàu sang ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - Ảnh: Reuters

Quản lý yếu kém

“Chính sách cũng giống hệt như một chiếc lồng, nếu người giữ chìa khóa chiếc lồng vô trách nhiệm thì chiếc lồng có tốt đến đâu cũng sẽ trở nên vô ích” - một quan chức thuộc Công ty Kho lương thực Hà Nam bình luận. Tuy nhiên, theo ông Thái Ninh - viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Hà Nam - hệ thống vận hành của Công ty Kho lương thực Hà Nam không được kiểm tra giám sát và đó chính là nguyên nhân khiến các quan chức này thoái hóa, biến chất.

Đơn cử là vụ việc của thuộc cấp Kiều Kiến Quân. Trước khi trốn ra nước ngoài, ông Kiều đã sớm đưa vợ con sang Mỹ, đồng thời thực hiện 17 chuyến đi nước ngoài bằng hộ chiếu thật và 28 chuyến đi bằng hộ chiếu giả. Ông này còn tẩu tán trót lọt hàng chục triệu USD. Đến lúc sự việc vỡ lở, nhà chức trách mới bàng hoàng phát hiện kho lương thực bị thụt két đến 300 triệu nhân dân tệ.

Vụ án Lý Trường Hiên đã chứng minh rằng việc để cho một người nắm “quyền sinh sát” trong khi cơ chế kiểm tra giám sát yếu kém là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. “Việc cất nhắc, điều động nhân sự, phê duyệt chi tiêu đều nằm trong tay ông ta. Vì để được ông ta đoái hoài, việc quà cáp đã trở thành chuyện bình thường tại đây” - một nhân viên Công ty Kho lương thực Hà Nam tiết lộ. Theo nhân viên này, vài năm trở lại đây mỗi lần hối lộ quan Lý, các thuộc cấp phải chi ít nhất 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.600 USD). Điều đáng nói số tiền hối lộ trên đều là tiền bòn rút từ công quỹ.

Xét xử Bạc Hi Lai vào thứ năm

Tân Hoa xã hôm qua cho hay phiên tòa công khai xét xử ông Bạc Hi Lai, cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh (Trung Quốc), vì bị cáo buộc nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền sẽ diễn ra sáng 22-8 tại TP Tế Nam.

Theo cáo trạng, ông Bạc lợi dụng chức vụ để trục lợi và nhận hối lộ dưới hình thức tiền mặt và bất động sản. Ông còn bị cáo buộc biển thủ số lượng lớn tiền nhà nước và lợi dụng quyền hạn xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước và nhân dân.

Hãng tin Reuters cho rằng gần như chắc chắn ông Bạc sẽ bị kết án và cách xét xử ông diễn ra như thế nào sẽ cho thấy hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng. Sau khi nhậm chức tổng bí thư vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập tuyên bố sẽ diệt trừ cả “hổ” lẫn “ruồi”, ám chỉ quan chức ở tất cả các cấp.

VIỆT TOÀN

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên