15/07/2018 12:46 GMT+7

Quản trị khủng hoảng hoàn hảo giúp hình ảnh Thái đẹp lên sau thảm họa

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TTO - “Trong nguy có cơ, biến nguy thành cơ” - bài học này của quản trị khủng hoảng đã được người Thái áp dụng thuần thục trong chiến dịch giải cứu 13 thành viên đội bóng Heo Rừng vừa qua.

Quản trị khủng hoảng hoàn hảo giúp hình ảnh Thái đẹp lên sau thảm họa - Ảnh 1.

4 ngày sau chiến dịch giải cứu thành công, các tình nguyện viên vẫn có mặt tại khu vực hang Tham Luang để dọn dẹp hiện trường (ảnh chụp ngày 14-7) - Ảnh: Reuters

Từ việc cung cấp thông tin đến bảo mật thông tin, từ việc huy động cứu hộ đến tổ chức cứu hộ, kể cả việc lãnh đạo cao nhất xuất hiện ra sao, làm gì, nói gì... tất cả đều diễn ra hoàn hảo cứ như là đã được người Thái tính toán trước, góp phần tạo nên sự thành công của chiến dịch giải cứu. 

Và trên hết là một hình ảnh Thái Lan gần gũi hơn, thân thiện hơn và đẹp hơn sau thảm họa.

Biết xung quanh khu cứu hộ đầy bùn lầy nên chúng tôi ghé tiệm tạp hóa mua đôi ủng. Bà chủ tiệm miễn phí luôn mấy đôi khi biết chúng tôi sắp vào khu vực cứu hộ. Thật ngưỡng mộ tinh thần của người Thái.

Ông NGUYỄN CHÂU Á (giám đốc Công ty Oxalis)

Thoáng và... chặt

Hiện trường hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, nơi 13 thành viên đội bóng Heo Rừng bị mắc kẹt từ ngày 23-6, bị phong tỏa ngay khi thông tin vụ việc được cấp báo tới cơ quan chức năng một ngày sau đó. Từ vòng ngoài, cách cửa hang khoảng 1km, một hàng rào dã chiến được dựng lên để sàng lọc và chỉ những người có chức năng mới được đi tiếp.

Phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận hiện trường đã không gặp khó khăn gì sau khi chìa ra tấm thẻ nhà báo. "Ưu tiên phóng viên, những người đưa Thái Lan tới gần với thế giới" - một cảnh sát làm công tác kiểm soát giải thích với những người khác trước việc tại sao phóng viên Tuổi Trẻ lại nhanh chóng được giải quyết cho vô, trong khi họ phải chờ để xuất trình đủ loại giấy tờ.

Ở vòng trong, một khu vực dành cho báo chí được dựng lên cách cửa hang chừng 300m. Hằng ngày, bình thường sẽ có hai cuộc họp báo vào buổi sáng và chiều, người chỉ huy chiến dịch giải cứu, cựu tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osottanakorn, cung cấp thông tin đầy đủ, chính thức và kịp thời về tiến độ, kết quả giải cứu. 

Những hôm bất thường có thể có tới ba, thậm chí bốn cuộc họp báo. Đặc biệt những đêm kịch tính, có khi họp báo diễn ra nửa đêm và không được báo trước.

Người Thái rõ ràng đã vận dụng rất tốt nguyên tắc trong khủng hoảng thì điều quan trọng phải là thông tin, thông tin và... thông tin. Tuy nhiên, họ cũng đầy khôn khéo để kiểm soát được dòng thông tin như thế nào là đủ mà không quá sa đà để có thể dẫn tới những bất lợi. 

Đó là việc báo chí chỉ được phép tác nghiệp tại khu vực riêng, tuyệt đối không một phóng viên nào tiếp cận được cửa hang; là việc thân nhân của 13 nạn nhân được chăm sóc, kiểm soát kỹ càng, làm nản lòng mọi nỗ lực tiếp cận của cánh phóng viên; là chuyện hình ảnh các nạn nhân được đưa ra khỏi hang mà 2.000 phóng viên đầy háo hức và sẵn sàng săn ảnh kia tuyệt nhiên không ai có được tấm hình cận cảnh người được giải cứu...

Cũng có không ít càm ràm từ cánh phóng viên quốc tế, rằng tất cả thông tin đều bằng tiếng Thái, phiên dịch không có hoặc rất trễ, họp báo ít khi được báo trước. Nhưng có lẽ, trước một cuộc khủng hoảng đầy kịch tính phải chạy đua với thời gian, thời tiết như vậy, cộng với sức ép của báo chí truyền thông toàn cầu, người Thái khó có thể làm gì tốt hơn những gì đã làm.

Không làm xáo trộn

Chiều 9-7, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha có mặt tại tỉnh Chiang Rai. Ông không đi ngay vào hiện trường cứu hộ mà tới bệnh viện thăm hỏi các nạn nhân vừa được giải cứu, sau đó gặp và trò chuyện với gia đình họ.

Chỉ tới sáng hôm sau, ngày 10-7, ông mới ra hiện trường, gặp gỡ, làm việc với lực lượng cứu hộ với lý do "để không làm ảnh hưởng, xáo trộn hoạt động giải cứu".

Chuyên nghiệp và tình người

"Điều gì khiến ông ấn tượng nhất khi trực tiếp chứng kiến việc giải cứu ở hiện trường?" - đó là câu hỏi mà Tuổi Trẻ đặt ra cho ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Công ty Oxalis chuyên tổ chức các tour thám hiểm hang động ở Việt Nam, ngay sau khi ông trở về Việt Nam từ hiện trường Tham Luang. 

"Có hai chuyện, thứ nhất là cách Chính phủ Thái huy động và tổ chức cứu hộ; thứ hai là cách người dân Thái tình nguyện hỗ trợ báo chí cũng như nhân viên cứu hộ" - ông Nguyễn Châu Á trả lời.

Theo ông Nguyễn Châu Á, khi sự việc xảy ra, Chính phủ Thái đã tìm được đúng người để nhờ họ vào cuộc. Đó là các chuyên gia hàng đầu thế giới về hang động, đặc biệt là các nhà thám hiểm hang động thuộc Hiệp hội Hang động Anh. Hai thợ lặn đầu tiên tìm thấy và tiếp cận các nạn nhân chính là hai nhà thám hiểm của Hiệp hội Hang động Anh. 

Tiếp đó, trong nhóm 19 thợ lặn trực tiếp vào hang đưa các nạn nhân ra ngoài thì có ít nhất 4 thợ lặn được coi là giỏi nhất thế giới thuộc hiệp hội này.

Còn về người dân Thái Lan, theo ông Á, để cho khoảng 2.000 phóng viên và khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ, tình nguyện viên sinh hoạt và tác nghiệp trong hơn hai tuần lễ liên tiếp không phải là chuyện đơn giản. 

"Do khu vực cứu hộ nằm cách xa trung tâm nên hằng ngày người dân Thái ở trong vùng đã cung cấp suất ăn miễn phí cho tất cả những người có mặt tại hiện trường. Nghĩa là hằng ngày họ phải nấu khoảng 3.000 suất ăn. Họ làm như vậy liên tục hai tuần liền. Thực sự cảm phục người Thái" - ông Á nói.

Ông Á cũng cho biết kế bên khu căngtin, người dân dựng hai cái lán, một cái để thợ massage miễn phí cho những ai cảm thấy mệt mỏi và một cái để làm tiệm hớt tóc, cạo râu miễn phí cho những ai có nhu cầu.

"Điều gì không khuất phục được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn" ("What doesn’t kill you makes you stronger"), đúng như lời một bài hát nổi tiếng, có thể nói nước Thái, người Thái đã mạnh mẽ hơn sau sự cố này, nhờ cách mà họ đã ứng xử và vượt qua khủng hoảng.

2018-07-12t123548z_120556409_rc1b75f84c00_rtrmadp_3_thailand-accident-cave-4(read-only)

Hình ảnh tại nhà Duangpetch Promthep, đội trưởng đội bóng Heo Rừng. Gia đình đang chuẩn bị để đón em về - Ảnh: Reuters

Tuần tới các thành viên đội bóng nhí sẽ xuất viện

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Piyasakol Sakolsatayadorn cho biết 12 thành viên đội bóng Heo Rừng cùng huấn luyện viên sẽ xuất viện vào ngày 19-7.

Báo Bangkok Post của Thái Lan dẫn lời Bộ trưởng Sakolsatayadorn cho hay 13 thành viên đội bóng đang phục hồi cả về thể chất và tinh thần. "Chúng ta cần chuẩn bị tốt cho cả các em và gia đình về những điều cần lưu ý khi đón các em về" - ông Sakolsatayadorn nói.

Trước đó, một quan chức y tế Thái Lan cho biết hầu hết các cậu bé trong đội bóng đều sụt cân nhưng thể trạng tốt và không có dấu hiệu bị stress. Các em chỉ ăn những món ăn nhẹ và phải đeo kính chống nắng vì đã ở trong hang tối hơn hai tuần.

Thái Lan hỗ trợ pháp lý để cấp quốc tịch cho 3 thành viên đội Heo Rừng Thái Lan hỗ trợ pháp lý để cấp quốc tịch cho 3 thành viên đội Heo Rừng

TTO - Chính quyền Thái Lan sẽ hỗ trợ pháp lý trong quá trình xác minh quốc tịch cho hai trong số 12 cậu bé và huấn luyện viên của đội Heo Rừng vừa được cứu khỏi hang Tham Luang ở miền bắc Thái Lan.

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên