28/05/2016 09:30 GMT+7

Quân sự hóa Biển Đông đe dọa hòa bình khu vực

D.KIM THOA tổng hợp
D.KIM THOA tổng hợp

TTO - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra sáng 27-5 ở tỉnh Mie, Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Pháp François Hollande  - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Pháp François Hollande - Ảnh: AFP

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của hội nghị, nhấn mạnh đây thật sự là những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung.

Thủ tướng cho biết phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, trong đó cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đóng góp giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định.

“Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định cùng với các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Ủng hộ tòa trọng tài phân xử vấn đề Biển Đông

Không nêu tên cụ thể nước nào, nhưng nội dung trong bản tuyên bố chung khép lại Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 năm nay rõ ràng nhằm vào Trung Quốc khi nói về những căng thẳng trên biển tại châu Á.

Các nhà lãnh đạo tham dự G7 khẳng định mọi căng thẳng trên biển tại châu Á cần được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ pháp luật.

“Chúng tôi rất quan ngại về tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng nền tảng của phương thức điều hành, giải quyết mọi mâu thuẫn một cách hòa bình” - tuyên bố chung G7 viết.

G7 nhất trí quan điểm mọi tuyên bố chủ quyền trong khu vực cần phải được tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nước cần tránh “những hành động đơn phương có thể gây gia tăng căng thẳng”, đồng thời tránh “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hòng cố tình đạt được những tuyên bố chủ quyền đó”.

Đặc biệt, G7 nhấn mạnh các phương tiện pháp lý, “trong đó có tòa trọng tài”, cũng cần được vận dụng để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong vấn đề này.

Quan điểm này được G7 nêu ra ngay trước thời điểm dự kiến vài tuần nữa Tòa trọng tài thường trực tại The Hague sẽ công bố phán quyết của họ về vụ kiện do Philippines khởi xướng, liên quan tới những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Có vẻ như những nội dung chính thức trong văn bản tuyên bố chung chưa thể hiện hết quan điểm quyết liệt riêng của một số thành viên tham dự G7.

Trong một trao đổi bên lề hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu quan điểm: G7 “cần bày tỏ lập trường rõ ràng và cứng rắn” về những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

Ông Tusk nói với báo giới: “Sự thử thách độ tín nhiệm với chúng ta tại G7 chính là khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ những giá trị chung mà các nước cùng chia sẻ”.

Trung Quốc “rất không hài lòng”

Truyền thông Trung Quốc lập tức nêu quan điểm phản bác, yêu cầu nhóm G7 không “xía vào” những tranh chấp tại Biển Đông. Ngay sau khi G7 đưa ra tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng mạnh.

Hãng Reuters cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này do Nhật Bản đăng cai tổ chức đang nói quá lên về vấn đề Biển Đông và việc thổi phồng quá mức những căng thẳng này không hề có lợi cho sự ổn định ở Biển Đông, không phù hợp với vị thế của G7 là một diễn đàn bàn về kinh tế của các nước phát triển. Trung Quốc rất không hài lòng với những việc mà Nhật Bản và G7 đã tiến hành”.

Mặc dù Trung Quốc không phải thành viên G7, nhưng sự bành trướng quá mức của nước này thời gian qua đã khiến những vấn đề của Trung Quốc lại trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

Kinh tế toàn cầu có nguy cơ khủng hoảng

Ngày 27-5, phát biểu với báo giới sau hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nếu các nước phản ứng không thích hợp, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Ông cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thúc đẩy thực thi một cách phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu.

Liên quan đến việc Triều Tiên thử hạt nhân và tiến hành các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, các nhà lãnh đạo G7 đã lên án và yêu cầu Bình Nhưỡng không tiến hành thêm những hành động khiêu khích hoặc gây bất ổn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng mạnh mẽ hối thúc Bình Nhưỡng giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế, trong đó có vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản.

Chiều 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là hợp tác kinh tế.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Chủ tịch WB Jim Yong Kim.

D.KIM THOA tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên