17/11/2011 08:10 GMT+7

Quản lý và "làm xiếc"

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - 1. Sự kiện ca sĩ Chế Linh về Việt Nam biểu diễn được nhiều giới nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Và bản thân việc ca sĩ này được tự do biểu diễn hợp pháp tại thủ đô Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận công chúng, mà còn phản ánh một không khí cởi mở từ phía những người làm công tác tổ chức.

Lẽ ra sự kiện này chỉ “đến rồi đi” trong khuôn khổ của một hoạt động nghệ thuật, nhưng những gì xảy ra kể từ đêm hát đầu tiên của Chế Linh tại Hà Nội ngày 21-10, đến đêm diễn 12-11 lại buộc công chúng phải chú ý vào nhiều chuyện khác.

Những động thái như Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đòi hủy chương trình, nhưng Cục Quản lý nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vẫn cấp phép, sở phát công văn cấm đi các nơi, rồi sở lại đồng ý với cục; Công ty Bích Ngọc bị kêu tên xử phạt rồi thoắt cái Bích Ngọc phải “tránh qua một bên” nhường cho Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và Công ty TNHH Quyên Gia Bình đứng ra tổ chức... sẽ còn được phân tích ở nhiều chiều hướng.

Nhưng cách đối phó và quyết liệt giành phần thắng giữa nhà tổ chức và nhà quản lý thời gian qua đang dự báo một xu hướng làm việc đầy rủi ro bởi yếu tố pháp lý không còn khả năng chế tài trong thực tế, mà tùy thuộc cách tiếp cận của những người trong cuộc từ cả hai phía. Khi đó, công chúng trở thành những người “xem xiếc” bất đắc dĩ.

2. Đầu tiên là cách diễn dịch pháp luật: Ông Vương Duy Biên, đại diện Cục NTBD, cho rằng Sở VH-TT&DL Hà Nội quyết định hủy chương trình đêm diễn của Chế Linh là “hơi... vội vàng”. Ông Biên dẫn nghị định 75 về quảng cáo để lập luận: những sai phạm của Bích Ngọc chưa đến mức phải hủy chương trình. Nhưng cách hành xử của Cục NTBD cho thấy sự việc được tiến hành theo một hướng khác, tức là bỏ qua sự vội vàng của Sở VH-TT&DL Hà Nội, ngay lập tức đưa ra nhà tổ chức mới để đảm nhận chương trình. Điều này một mặt làm thỏa mãn khán giả, nhưng đồng thời cũng gây thắc mắc cho nhiều người về cách quản lý nghệ thuật. Thắc mắc về quyền lực, ai to hơn ai và ai thật sự đang dẫn dắt cuộc chơi này? Là cục, là sở hay là bầu sô ca nhạc?

Hơn nữa, quy định của quyết định 47 lại cho phép các sở VH-TT&DL ở mỗi tỉnh thành có quyền cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật trên tất cả tỉnh thành; nhưng đồng thời quy định đó cũng tạo ra khoảng hở để sở VH-TT&DL mỗi tỉnh thành có quyền không tiếp nhận các chương trình biểu diễn nghệ thuật được cấp phép và ủy quyền từ Cục NTBD, như trường hợp công văn ngày 1-11 của Hà Nội.

3. Sự “làm xiếc” tiếp theo là trong thực tế, kể từ khi việc tuyên bố hủy đêm diễn 12-11 do Sở VH-TT&DL Hà Nội loan ra các báo, mặc cho dư luận xầm xì về khả năng điều chỉnh trên thực tế của quyết định này, bộ phận bán vé của nhà tổ chức biểu diễn vẫn thản nhiên phát hành vé xem ca nhạc vào đêm 12-11 như thể không có chuyện gì xảy ra.

Một tuyên bố cấm diễn của giám đốc sở VH-TT&DL thủ đô, có họp báo hẳn hoi, không hề làm thay đổi sắc mặt của người bán vé. Uy tín của nhà quản lý trong trường hợp này được lý giải thế nào?

Như vậy, lẽ ra chương trình ca nhạc Chế Linh diễn ra tại thủ đô Hà Nội năm nay sẽ đọng lại trong lòng công chúng dư vị của một nét ứng xử tinh tế, hào hoa của đất nghìn năm văn vật, thì những lập cập trong quản lý văn hóa đã đẩy công chúng vào trạng thái bán tín bán nghi về một loại thị trường chìm nổi đầy bất trắc.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên