Sau thời gian cắt cơn, người nghiện ma túy tại cơ sở xã hội Nhị Xuân chơi đá bóng để rèn luyện sức khỏe - Ảnh: Vũ Thủy |
Về chuyên môn, nếu cai nghiện tại gia đình là không ổn. Nên tổ chức cai nghiện tập trung ở cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện cấp cứu, hồi sức, chứ tổ chức cắt cơn, giải độc ở trạm y tế lỡ khi người nghiện lên cơn vã thuốc có vấn đề gì thì cấp cứu không nổi |
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng |
Tại cuộc họp, báo cáo việc phối hợp thực hiện công tác cai nghiện ma túy ở TP.HCM, ông Đồng Văn Ngọc - phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP - cho biết từ tháng 12-2014 đến nay Bệnh viện Tâm thần TP đã tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác cai nghiện ma túy cũng như xác định tình trạng nghiện ma túy cho người nghiện.
Từ nay đến cuối năm 2015, Bệnh viện Tâm thần TP tiếp tục tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp xét nghiệm ma túy, phương pháp điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho người nghiện...
Riêng trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phối hợp với bệnh viện và các ban ngành liên quan tại địa phương khảo sát tình hình cơ sở vật chất, nhân sự tại các trạm y tế để tham mưu UBND quận huyện xây dựng các cơ sở điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Theo ông Ngọc, Sở Y tế TP đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai điều trị bằng thuốc ARV, Methadone cho người nghiện tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP; phối hợp với Công an TP rà soát thống kê người nghiện ma túy trên địa bàn TP và xác định hiện có hơn 19.000 người nghiện ma túy...
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, việc triển khai cai nghiện ma túy tại nhà và cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập vì trạm y tế phường xã có cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu nhân sự và đang phải củng cố để tiếp nhận khám điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, triển khai phòng khám bác sĩ gia đình nên việc tiếp nhận người nghiện ma túy để điều trị cắt cơn, giải độc cũng như việc xác định tình trạng nghiện của người nghiện khó triển khai được.
Tại cuộc họp, nhiều quận huyện và cơ sở y tế kêu khó thực hiện cai nghiện ma túy tại nhà và cộng đồng do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, thiếu nhân lực, cán bộ y tế dự phòng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Đặc biệt, hầu hết ý kiến đều cho rằng vấn đề khó nhất để thực hiện là chưa có thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy.
Trong khi đó, bác sĩ Trịnh Tất Thắng - giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - nói nghiện ma túy là vấn đề rất phức tạp, không đơn giản chỉ cắt cơn, giải độc cho người nghiện là xong.
Theo bác sĩ Thắng, 40-60% người nghiện ma túy có vấn đề về tâm lý, tâm thần. Nếu chỉ chăm chăm vào việc điều trị nghiện mà không trị bệnh tâm lý, tâm thần sẽ không đem lại kết quả cai nghiện tốt. Sau cắt cơn còn có nhiều vấn đề, nhất là với người nghiện ma túy tổng hợp sau cắt cơn sẽ rơi vào trầm cảm nên người nghiện cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nếu không điều trị trầm cảm thì người nghiện sẽ tái sử dụng ma túy tổng hợp ngay...
Ngoài ra, nên chuyển sang điều trị bằng Methadone ngay cho những người đã nghiện nặng, không thể cắt cơn được.
Đại diện Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh cũng cho biết: “Chúng tôi đã họp nhiều cuộc với phòng lao động - thương binh và xã hội và công an quận để triển khai nhưng không làm được. Chúng tôi đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều trung tâm cai nghiện ma túy thì thấy không thể triển khai cơ sở cắt cơn, giải độc ma túy ở trạm y tế phường được”.
Vị đại diện này cũng đặt vấn đề nếu đưa người nghiện về trạm y tế điều trị có khi phụ huynh khác sẽ không đưa con em ra theo dõi sức khỏe, chích ngừa...
Nhiều trường hợp chậm đưa đi cai nghiện bắt buộc Chiều 16-1, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về công tác cai nghiện ma túy tại hai cơ sở xã hội Bình Triệu và Nhị Xuân. Tại buổi giám sát, ông Lê Bá Hoàng - giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu - cho biết thời gian quản lý người nghiện tại cơ sở xã hội theo quy định là 30 ngày, nhưng từ ngày 5-12-2014 đến nay đã phát sinh nhiều trường hợp vượt quá 30 ngày. Tại cơ sở Bình Triệu hiện nay có 161 trường hợp chưa xử lý, trong đó có tới 38 trường hợp đã ở đây tới 37 ngày. Ông Hoàng lo ngại cơ sở sẽ bị quá tải trong thời điểm Tết Nguyên đán. Tại cơ sở xã hội Nhị Xuân cũng có tới trên 250 trường hợp bị tắc lại. Nguyên nhân gây chậm trễ, theo ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP, là do khâu xác định nơi cư trú. Khâu này chậm kéo theo các bước khác cũng chậm. Khó khăn thứ hai là do khâu xác định tình trạng nghiện. Theo ông Bùi Thanh Tuấn - giám đốc cơ sở xã hội Nhị Xuân, xác định tình trạng nghiện chủ yếu là định tính chứ không phải định lượng, nhưng các văn bản hiện nay vẫn chưa hướng dẫn cụ thể, đặc biệt đối với ma túy đá. Tính đến nay, trong số 1.800 người có kết quả dương tính được đưa vào ba cơ sở xã hội có 734 trường hợp đã chuyển tòa án các quận, huyện thụ lý và tòa đã ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc gần 430 trường hợp. Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng có các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, phối hợp giữa các địa phương để đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Tài - phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) - báo động tình trạng nghiện hút ma túy chuyển biến phức tạp khi số người nghiện ma túy đá ngày càng tăng nhanh. Theo ông Tài, loại ma túy này đắt hơn heroin nên hệ lụy kéo theo như trộm cắp cũng nhiều hơn. “Thống kê tại ba cơ sở xã hội đang tiếp nhận cắt cơn, điều trị cho người nghiện không có nơi cư trú trong thời gian chờ tòa xem xét đưa đi cai nghiện bắt buộc cho thấy có tới trên 40% số người sử dụng ma túy có kết quả dương tính sử dụng ma túy đá” - ông Tài nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận