Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi người nghiện tại cơ sở Nhị Xuân - Ảnh: Vũ Thủy |
Ông Bùi Công Soạn, một người có tám năm sử dụng ma túy, chia sẻ tại hội nghị tổng kết chương trình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng bằng thuốc Cedemex ở tỉnh Hưng Yên, ngày 23-12.
Ông Soạn, 55 tuổi, nghiện ma túy từ năm 2005. “Cha mẹ, vợ con tôi rất khổ sở, họ hàng làng xóm xa lánh tôi. Tôi đã rất nhiều lần tự cai bằng các cách khác nhau, kể cả vào trung tâm cai nghiện của tỉnh nhưng đều thất bại” - ông kể.
* Năm 2012, Bộ Y tế phê duyệt đề tài “Nghiên cứu triển khai, đánh giá hiệu quả của thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy nhóm Opiates tại cộng đồng” từ năm 2013-2015 do Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo (Radiner) chủ trì thực hiện.
* Tháng 12-2013, Thủ tướng phê duyệt đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở VN đến năm 2020. Một trong năm giải pháp của đề án là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng thuốc, phương pháp điều trị nghiện, xác định thuốc Cedemex là một trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện. * Ngày 10-12-2014, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã họp và chỉ đạo Thường trực UBND TP xây dựng đề án thí điểm “Mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex”. |
Cho đến tháng 10-2013, ông tham gia chương trình cai nghiện bằng thuốc Cedemex.
“Cơn vật vã do đói thuốc giảm rất nhiều so với bình thường. Sau năm ngày cắt cơn, tôi hầu như cảm thấy không còn cảm giác giòi bò trong xương, sức khỏe đã khá hơn. Tiếp tục uống thuốc duy trì trong sáu tháng với liều lượng đúng và điều độ, tôi đã thoát khỏi lệ thuộc vào ma túy. Tôi không còn thấy thèm thuốc và mệt mỏi như trước” - ông Soạn cho hay.
Theo ông, khó khăn lớn nhất mà người cai nghiện phải đối mặt là vẫn sống giữa môi trường có nhiều người nghiện ma túy thường xuyên lôi kéo người cai trở lại con đường nghiện ngập.
Phần cuối tham luận, nghẹn ngào, ông Soạn rút ra bài học kinh nghiệm từ bản thân là: nghị lực của người cai nghiện là quan trọng nhất, phải có ý chí, quyết tâm cai nghiện và vượt qua được cám dỗ, rủ rê. Sự quan tâm, động viên, hợp tác của người thân, gia đình có tác dụng rất quan trọng.
Ông Lê Hữu Thuận - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên - cho biết chương trình thí điểm dùng thuốc Cedemex cho người cai nghiện được triển khai từ năm 2013, thí điểm trên địa bàn ba xã, phường với 50 người (năm người sau đó bỏ cuộc).
Sau sáu tháng dùng thuốc và một năm quản lý sau cai nghiện, có 17/45 người phản ứng âm tính với ma túy (đạt 37,7%). “Như vậy, 17 người này đã dứt bỏ được ma túy. Chúng tôi đánh giá như vậy là thành công” - ông Thuận nói.
Vẫn theo ông Lê Hữu Thuận, chi phí cho một người cai nghiện dùng thuốc Cedemex hết khoảng 20 triệu đồng/6 tháng.
“Nhưng người nghiện phải có ý chí, nghị lực, phối hợp với gia đình và đội ngũ bác sĩ thực hiện nghiêm chỉnh phác đồ điều trị. Không có bản lĩnh cai nghiện thì thuốc gì cũng không thể cai dứt điểm được. Phải gắn với công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm bởi nếu người nghiện cai xong mà không có việc làm, thu nhập, lêu lổng thì rất dễ trở lại môi trường có ma túy và tái nghiện” - ông Thuận nói thêm.
Ông Dương Ngọc Khải - chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thái Nguyên - cũng cho biết: Thái Nguyên thí điểm với số lượng lớn hơn, kết quả cũng khả quan và mong muốn nhân rộng mô hình, số người nghiện cai bằng thuốc này.
Theo bác sĩ - TS Nguyễn Phú Kiều (viện trưởng Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo - người đã dành hàng chục năm cùng với đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu bào chế thuốc Cedemex) thì điểm khác nhau giữa thuốc này và Methadone đang được sử dụng phổ biến là: Methadone là thuốc thay thế ma túy, còn Cedemex là thuốc dùng để cắt cơn và điều trị, cai nghiện. Đặc biệt, Cedemex được bào chế từ nhiều loại thảo dược ở VN.
TP.HCM: tòa án xét đưa 11 người nghiện đầu tiên đi cai nghiện bắt buộc Sáng 23-12, cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM) đã tổ chức phiên đầu tiên xem xét hồ sơ, ra quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là hồ sơ của 11 người nghiện do cơ quan chức năng Q.3 chuyển đến. Thành phần tham dự gồm thẩm phán, thư ký, đại diện viện kiểm sát và đại diện Phòng lao động - thương binh và xã hội Q.3. Kết quả, TAND Q.3 đã ra quyết định đưa 11 người vào Trường Giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (tỉnh Bình Dương). Theo quy định, sau khi tòa án ra quyết định, người nghiện sẽ có ba ngày để khiếu nại trước khi được cơ sở xã hội Nhị Xuân chuyển tới cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau Q.3, các quận 5, 8 và 11 cũng đã đăng ký lịch tổ chức phiên họp tại cơ sở xã hội Nhị Xuân. Sáng cùng ngày, ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP - đã có buổi làm việc tại hai cơ sở xã hội Bình Triệu (Q.Thủ Đức) và Nhị Xuân để kiểm tra tình hình, đồng thời thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên và người nghiện đang điều trị tại hai cơ sở trên. Ông Hứa Ngọc Thuận yêu cầu hai cơ sở tiếp tục phân loại hồ sơ để chuyển sang tòa án, Sở Lao động - thương binh và xã hội kiểm tra công tác chuẩn bị tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc trước khi tiếp nhận người nghiện và lập phương án bố trí hợp lý việc phân bổ người nghiện các quận, huyện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo báo cáo của TP, tính đến nay đã có gần 1.400 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định được đưa vào các cơ sở xã hội và trên 140 hồ sơ được chuyển cho tòa án xem xét. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận