Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Brasilia (Brazil) vào tháng 11-2019 - Ảnh: SPUTNIK/REUTERS
Tuần này, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ họp thượng đỉnh thường niên ở Samarkand (Uzbekistan) với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Iran và một số nước khác. Diễn giải chung của những nước tham gia sẽ là một trật tự thế giới thay thế, không do phương Tây ấn định, dù thực tế lợi ích và quan tâm của từng nước đương nhiên là rất khác nhau.
Những ưu tiên của SCO
Thượng đỉnh SCO năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du nước ngoài kể từ đầu dịch COVID-19. Việc ông chọn Trung Á và SCO làm điểm đến, thậm chí trước cả kỳ Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong tháng 10 tới, cho thấy tầm quan trọng của sự kiện này với Bắc Kinh.
Những khách mời khác bao gồm các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Armenia, Mông Cổ, Iran và Belarus - những nước đang cân nhắc gia nhập SCO. Cũng có tin Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ có mặt.
Nếu mở rộng ra cho tất cả các nước đó, với các thành viên hiện hữu Nga, Iran, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, thì đó sẽ là một tập hợp các cường quốc với nhiều lý do và ở nhiều mức độ khác nhau có những căng thẳng với phương Tây.
SCO hiện chưa sánh được với các nhóm đa phương kiểu phương Tây như G7, NATO hay EU, nhưng mục đích hiện tại của các thành viên chủ chốt trong nhóm đã hoạt động được hơn 20 năm này cũng chưa phải như thế.
Với Trung Quốc, SCO đóng vai trò bình thường hóa vị thế cường quốc lục địa Á - Âu của họ, đồng thời là cơ hội để giới ngoại giao và kinh doanh Bắc Kinh tranh thủ những thỏa thuận thiết thực. Với Nga, diễn đàn là nơi Matxcơva thể hiện họ không hề bị cô lập bởi phương Tây. Với Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ, họ muốn để ngỏ các lựa chọn của mình trong khi vẫn đồng thời hợp tác chặt chẽ với Mỹ hay EU...
Quan hệ Nga - Trung
Sự kiện được đặc biệt chú ý năm nay là cuộc gặp song phương Nga - Trung bên lề hội nghị, dự kiến sẽ diễn ra hôm nay (15-9). Giới phân tích cho rằng những bất lợi trong cuộc chiến ở Ukraine vừa qua sẽ thử thách "mối quan hệ đối tác không giới hạn" mà hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình từng tuyên bố vào đầu cuộc xung đột.
Đến nay, Bắc Kinh đã cố gắng cân bằng sự ủng hộ của họ dành cho Matxcơva với sự thận trọng cần thiết, tránh không để kinh tế nước mình chịu ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận Nga của phương Tây.
Trung Quốc không lên án Nga trong cuộc chiến mà cáo buộc phương Tây khiêu khích; họ chưa gửi vũ khí cho Nga nhưng vẫn làm ăn buôn bán bình thường; không kết liên minh quân sự chính thức nhưng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung...
Một vướng mắc trong quan hệ song phương là sự cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, nơi hai nước từ lâu đã là "những địch thủ lặng lẽ của nhau", theo Therese Fallon - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á, Âu và Nga ở Brussels (Bỉ).
Niva Yau, nghiên cứu viên cấp cao ở Viện OSCE, Bishkek (Kyrgyzstan), nói với Đài Mỹ CNN rằng Trung Quốc có mục tiêu dài hạn chuyển dần thương mại toàn cầu từ trên biển lên trên bộ, nhất là các tuyến vận chuyển nhiên liệu "đề phòng biến cố ở Đài Loan".
Việc kiểm soát các tuyến thương mại này, do đó, có thể trở thành vấn đề tế nhị giữa hai quốc gia có lãnh thổ lớn nhất và lớn thứ tư thế giới.
Sự phức tạp trong quan hệ song phương thể hiện qua những khác biệt về cách đưa tin với chuyến thăm tuần trước của Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư tới Matxcơva. Thông báo phát đi từ Duma Nga cho biết ông Lật đã nói:
"Trung Quốc hiểu và ủng hộ Nga về những vấn đề nước này coi là lợi ích sống còn, cụ thể là tình hình ở Ukraine... Chúng tôi nhìn nhận việc Mỹ và các đồng minh NATO mở rộng sự hiện diện gần biên giới Nga là đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và sinh mạng công dân Nga". Tuy nhiên, những trích dẫn này không hề xuất hiện trong thông cáo chính thức của Trung Quốc.
"Rõ ràng Trung Quốc muốn một nước Nga ổn định - Kerry Brown, giáo sư về Trung Quốc ở Đại học King’s College (London, Anh), bình luận - Trung Quốc hẳn nhiên không tin tưởng NATO hay phương Tây, nhưng họ trên hết là vì lợi ích của mình, và giờ lợi ích đó không bao gồm sự bất ổn".
Thật vậy, tuy thương mại song phương Nga - Trung đã tăng liên tục trong sáu tháng đầu năm 2022, nhưng phải tới tuần trước, Trung Quốc mới đồng ý chi trả cho khí đốt của Nga bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp thay vì đồng USD.
Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 13-9 cho biết ông Putin đã bổ nhiệm một thứ trưởng ngoại giao Nga làm đại sứ mới tại Trung Quốc - động thái "biểu hiện sự trân trọng lớn lao với mối quan hệ song phương".
Tân đại sứ Igor Morgulov tốt nghiệp Viện Nghiên cứu Á - Phi ở Đại học Lomonosov (Matxcơva), nói lưu loát tiếng Hoa và tiếng Anh, theo trang chủ của Hội đồng Đối ngoại Nga. Ông đã làm việc ở Bộ Ngoại giao Nga từ năm 1991 và giữ chức thứ trưởng từ tháng 12-2011.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận