19/01/2025 12:16 GMT+7

Quà Tết bằng gạo ngon đắt hàng

Xu hướng tặng quà Tết không chỉ dừng lại ở rượu vang, bánh kẹo mà còn hướng đến những món quà thiết thực, mang ý nghĩa sức khỏe.

Quà Tết bằng gạo ngon đắt hàng - Ảnh 1.

Gạo ST25 loại hộp 2kg được đưa vào giỏ quà Tết - Ảnh: LÊ DÂN

Gạo ST25 - loại gạo từng được vinh danh "ngon nhất thế giới" - nay được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để biếu tặng.

Những hộp gạo thơm đặc sản Sóc Trăng không chỉ là lời chúc thịnh vượng đầu năm mà còn góp phần tiêu thụ nông sản Việt. Tặng gạo, người trao gửi không chỉ tấm lòng mà còn chia sẻ niềm mong ước về sự no đủ, may mắn cho năm mới.

Hết băn khoăn chọn quà biếu Tết

Theo chị Xuân Lan, khoảng 5 năm trước, việc tặng gạo có thể khiến người nhận cảm thấy ngại ngùng. Nhưng giờ đây, túi gạo thơm ST25 nhãn hiệu "ông Cua" đã trở thành món quà ý nghĩa và thiết thực.

Chị chia sẻ: "Cầm 100.000 - 200.000 đồng mua quà thường khó chọn, còn cho tiền thì càng không hợp lý. Từ ngày có gạo thơm ST, tôi luôn chọn làm quà. Đến thăm bạn bè hoặc người thân, tặng đặc sản Sóc Trăng vừa ý nghĩa vừa tiện dụng".

Anh Chí Linh (quê Đồng Tháp, hiện sống tại TP.HCM) cũng đồng tình. Những lần được bạn bè từ Sóc Trăng ghé thăm và tặng gạo ST25, anh đều rất thích thú.

"Tặng nhau túi gạo là cách chia sẻ thiết thực, vừa giúp tiêu thụ nông sản vừa tiết kiệm. Tết mà nấu cơm từ gạo ngon nhất thế giới ăn với thịt kho, dưa kiệu thì còn gì bằng", anh Linh cho hay.

Tết Ất Tỵ, bà Đoàn Tuyết Anh ở Cà Mau chọn gạo làm quà biếu khách hàng và đối tác, xem đây là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. "Tặng gạo đầu năm thể hiện lời chúc no đủ, phát đạt. Gạo là món quà thiết thực mà ai cũng sử dụng được", bà Anh chia sẻ.

Quà Tết bằng gạo ngon đắt hàng - Ảnh 2.

Loại gạo ngon, đóng hộp đẹp được sử dụng biếu tặng dịp Tết

Gạo ngon ST25 "cháy hàng" dịp Tết

Từ khi đạt danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới" vào tháng 11-2019, gạo ST25 luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, chủ cửa hàng đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long tại TP Cần Thơ, cho biết xu hướng tặng gạo làm quà Tết ngày càng phổ biến và thay thế nhiều mặt hàng truyền thống.

"Thời điểm này, khách hàng doanh nghiệp đặt mua số lượng lớn để làm quà tặng khiến nguồn hàng không đủ đáp ứng. Khách lẻ thường tăng mạnh vào cận Tết", ông Khiêm cho biết.

Cửa hàng cũng tích hợp gạo ST25 vào các giỏ quà Tết cùng nhiều đặc sản miền Tây khác. "Gạo ngon, sạch, chất lượng không chỉ là món quà sức khỏe mà còn thực tế vì ai cũng sử dụng được", ông Khiêm nói thêm.

Bên cạnh gia đình ông Hồ Quang Cua, nhiều công ty đã chú trọng đến cả chất lượng sản phẩm và thiết kế bao bì để tạo sự thu hút.

Ông Vũ Ngọc Đỉnh, tổng giám đốc Techpal Group - đơn vị phối hợp với UBND huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) trồng lúa ST25 từ giống thuần chủng - cho biết vùng nguyên liệu được canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Hiện sản phẩm ST25 của công ty đã có mặt trên thị trường với bao bì hộp giấy và túi giấy chuyên dụng, không chỉ giữ được hương vị đặc trưng mà còn thích hợp để làm quà biếu.

Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Úc và Cộng hòa Séc, và đang đàm phán mở rộng sang Bulgaria và Hàn Quốc.

Trà Mã Dọ - đặc sản rừng xanh giá gần 3 triệu đồng/kg

Mỗi dịp vào tiết xuân, người dân xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) lại rủ nhau lên đỉnh Cù Mông hái trà Mã Dọ - một loại trà xanh mọc tự nhiên ở độ cao 500 - 700m. Trà này được xem là đặc sản hiếm, chỉ thu hoạch vào mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.

Trà Mã Dọ sinh trưởng tự nhiên, số lượng hạn chế. Một người hái chuyên nghiệp mỗi ngày chỉ thu được 1-4kg trà tươi (tương đương 250g trà khô).

Công đoạn chế biến hoàn toàn thủ công: trà được chọn lọc, phơi héo, vò nát, ủ chín và phơi nắng cho đến khi đạt hương vị đặc trưng. Trà khô có màu đen, khi pha chuyển từ màu đen sang hồng nhạt, vị chát nhẹ và hậu ngọt.

Do kỳ công và hiếm nên trà Mã Dọ có giá 3 triệu đồng/kg và phải đặt trước. Bà Trần Thị Loan, một người dân địa phương, cho biết việc thu hoạch ngày càng khó khăn bởi trà bị ảnh hưởng từ chiến tranh trước đây, cháy rừng và khai thác quá mức.

Ông Nguyễn Thành Sơn, chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, nhận định trà Mã Dọ mang lại thu nhập cao cho người dân nhờ giá trị kinh tế lớn.

Tuy nhiên, việc bảo tồn giống trà tự nhiên này không hề dễ dàng do điều kiện sinh trưởng đặc thù. Nhận thức rõ lợi ích kinh tế, người dân đã dần chú trọng bảo vệ cây trà thay vì khai thác bừa bãi như trước.

Tháng 12-2024, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển cây trà Mã Dọ".

Dự án này thành công trong việc nhân giống cây trà, xây dựng quy trình sản xuất và chế biến trà thương phẩm. Kế hoạch bảo tồn và phát triển giống trà này kỳ vọng nâng cao giá trị kinh tế và tạo đặc trưng thương hiệu cho Phú Yên.

Quà Tết bằng gạo ngon đắt hàng - Ảnh 3.Bán đặc sản Tết 'một chạm'

Vào mùa tiêu dùng Tết cuối năm, các sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc biệt là đồ thực phẩm, lại nhộn nhịp với các phiên livestream bán hàng, chốt đơn lên tới cả trăm triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên